Bộ Quốc phòng Australia hôm nay tiết lộ vụ chạm trán giữa trinh sát cơ P-8 của nước này và tiêm kích J-16 Trung Quốc xảy ra trên vùng trời Biển Đông vào ngày 26/5. Australia cho biết chiếc P-8 thời điểm đó đang triển khai "hoạt động giám sát hàng hải thông thường" trong không phận quốc tế ở khu vực.
"Tiêm kích Trung Quốc đã có hành vi cơ động nguy hiểm, đe dọa an toàn bay của chiếc P-8 và phi hành đoàn", Bộ Quốc phòng Australia cho biết.
Đại sứ quán Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết Canberra đã bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh "thông qua những kênh phù hợp" nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cho hay chiến đấu cơ Trung Quốc bay cắt mặt chiếc P-8 của không quân Australia ở khoảng cách rất gần, sau đó giải phóng một đám mây gây nhiễu gồm nhiều sợi nhôm mảnh. Động cơ chiếc P-8 đã hút phải số sợi nhôm này.
"Đó rõ ràng là tình huống rất nguy hiểm", ông Marles trả lời đài ABC.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia nhấn mạnh nước này sẽ duy trì những hoạt động hợp pháp trên Biển Đông. Vụ chạm trán tiêm kích Trung Quốc "sẽ không thể ngăn Australia tiếp tục các hoạt động phù hợp với quyền và luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, vì đây là lợi ích căn bản của đất nước".
ABC cho biết đây là lần thứ hai quân đội Trung Quốc có "hành động nguy hiểm" đối với lực lượng Australia. Hồi đầu năm nay, Canberra cáo buộc tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia laser vào trinh sát cơ P-8A Poseidon của Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) đang bay ngang vùng biển Arafura giữa Papua New Guinea và Australia hôm 17/2.
Bộ Quốc phòng Australia tháng trước cáo buộc Trung Quốc điều trinh sát hạm Hải Vương Tinh thuộc lớp Type-815 tới gần bờ biển phía tây nước này. Tàu hoạt động cách trạm liên lạc hải quân Harold E. Holt ở thị trấn Exmouth khoảng 50 hải lý. Trạm liên lạc này là cơ sở thường xuyên được các tàu ngầm Australia, Mỹ và đồng minh sử dụng.
Australia đã phản đối các tuyên bố chủ quyền phi pháp mà Trung Quốc đơn phương đưa ra ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Australia lưu ý nước này đã tiến hành các hoạt động giám sát hàng hải trong khu vực suốt nhiều thập kỷ qua, "tuân thủ đúng luật pháp quốc tế, thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển và vùng trời quốc tế".
Quan hệ Trung Quốc - Australia trở nên căng thẳng trong vài năm qua, từ những cáo buộc Bắc Kinh can thiệp chính trị nội bộ Canberra đến điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Hai nước đồng thời gia tăng cạnh tranh địa chiến lược ở khu vực các đảo quốc Thái Bình Dương, vốn được xem là khu vực ảnh hưởng truyền thống của Australia. Bắc Kinh đang tăng cường vận động các đảo quốc mở rộng quan hệ, từ đầu tư hạ tầng đến hợp tác an ninh.
Thanh Danh (Theo Reuters, ABC)