Ông Pascal Soriot, Giám đốc điều hành AstraZeneca cho biết trong cuộc họp báo ngày 4/6 rằng hãng dược lên kế hoạch bắt đầu phân phối vaccine đến thị trường Mỹ trong tháng 9 hoặc tháng 10/2020. Bước đầu, 400 triệu liều sẽ được chuyển đi trước. Số lượng còn lại dự kiến giao vào đầu năm 2021 nếu kịp tiến độ.
Ngoài ra, AstraZeneca cho biết thêm họ đã ký một thỏa thuận cấp phép với Viện Huyết thanh Ấn Độ để cung cấp một tỷ liều cho các nước có mức thu nhập thấp và trung bình.
Vaccine dự kiến sản xuất hàng loạt có tên AZD1222, ban đầu được phát triển bởi Đại học Oxford ở Mỹ. AstraZeneca vẫn đang tìm kiếm các đơn vị khác trong ngành dược phẩm trên toàn cầu để thỏa thuận hợp tác sản xuất và phân phối vaccine nhanh chóng hơn.

Vaccine AZD1222 là một trong những "ứng viên" sáng giá nhất thời điểm hiện tại. Ảnh: CNBC.
Ông Soriot cho biết quá trình phân phối có diễn ra đúng kỳ hạn hay không phụ thuộc toàn bộ vào kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng diễn ra vào tháng 8. Loạt thử nghiệm này và dây chuyền sản xuất được thiết lập diễn ra đồng thời để tiết kiệm thời gian. Đây là một động thái chưa từng có đối với ngành dược phẩm bởi nó có thể dẫn đến nguy cơ sản xuất một loại thuốc, vaccine chưa rõ hiệu quả hoạt động.
"Chúng tôi luôn tập trung và tận tâm với những gì chúng tôi thực hiện. Khi đối diện với tình hình cấp bách như đại dịch Covid-19 hiện tại, thứ đã gây ra ảnh hưởng nặng nề đến con người, nền kinh tế toàn cầu và cả những lĩnh vực khác, rất khó để đoán biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng ta không thể dành thời gian chỉ để suy tính xem loại thuốc hay vaccine đang nghiên cứu liệu có hoạt động hay không, chỉ cần cam kết mà thôi. Vì lẽ đó, chúng tôi dã đặt cược vào một trong những 'ứng viên' vaccine", Soriot nói.
Viện Jenner, trực thuộc Đại học Oxford, đã hợp tác với nhóm các chuyên gia để phát triển vaccine AZD1222. Đây là "ứng viên" được phát triển dựa trên protein của chủng virus SARS CoV-2. AZD1222 đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 10.000 tình nguyện viên trưởng thành. Theo thông cáo báo chí của AstraZeneca, người thử nghiệm vaccine tiếp tục cho thấy biểu hiện dung nạp khá tốt, vẫn đang ở mức an toàn.

Tính đến hiện tại, các thử nghiệm lâm sàng trên người của vaccine AZD1222 cho kết quả khả quan, biểu hiện dung nạp ở mức độ khá tốt. Ảnh: Reuters.
Khi được hỏi liệu vaccine có hoạt động hay không, Soriot thể hiện sự lạc quan: "Dựa trên những kết quả thu được thời gian qua, chúng ta có quyền hy vọng rằng vaccine này sẽ hoạt động tốt. Hiện AstraZeneca thu thập cơ sở dữ liệu toàn diện về mức độ an toàn từ các cuộc thử nghiệm, dự kiến sẽ mở rộng quy mô với hơn 50.000 tình nguyện viên tham gia trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng hàng trăm triệu người trên thế giới sẽ được tiêm vaccine nCoV, bao gồm cả những quốc gia có mức thu nhập thấp nhất. Vì vậy, mục tiêu của chúng tôi chính là không để ai bị bỏ lại phía sau".
Theo ông Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh sáng kiến đối phó với dịch bệnh (CEPI), các thử nghiệm đang được tiến hành đồng thời với việc sản xuất để có thể cung cấp vaccine sớm nhất. CEPI cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với AstraZeneca về sản xuất thuốc trước đó.
"Nếu vaccine thành công, việc đầu tư sớm vào nguồn lực sản xuất sẽ giúp tiết kiệm thời gian và lượng lớn chi phí. Từ đó, hàng chục hay thậm chí hàng trăm triệu liều vaccine sẽ có sẵn trong thời điểm sớm nhất có thể", Hatchett nhận định.
Cũng trong ngày 4/6, chính phủ và các doanh nghiệp cho biết họ sẽ trao 8,8 tỷ USD cho Liên minh vaccine toàn cầu (Gavi), được hỗ trợ bởi Quỹ Bill và Melinda Gates. Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tạo ra cơ chế với tên gọi là "Access to Covid-19 Tools Accelerator", với mục đích đảm bảo vaccine được phân phối công bằng đến tất cả công dân trên toàn cầu.
Thy An (Theo CNBC)