Những người đứng đầu ngành ngoại giao của các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 30/6 cùng đưa ra được tuyên bố chung để kết thúc AMM lần thứ 46. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy sự đồng thuận giữa các thành viên ASEAN.
AMM lần thứ 46 đã có cái kết đẹp so với lần hội nghị năm ngoái. Khi đó, tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, các ngoại trưởng ASEAN đã không thể đưa ra được một tuyên bố chung để kết thúc hội nghị. Đó là điều chưa từng có trong suốt 45 năm.
Mặc dù tuyên bố chung cho thấy sự đồng thuận giữa các nước thành viên ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, Philippines vẫn tỏ ra khá quyết liệt. Bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario mô tả bình luận của Trung Quốc rằng "hành động đáp trả là khó tránh khỏi nếu Philippines tiếp tục khiêu khích" là một tuyên bố thiếu trách nhiệm. "Chúng tôi lên án bất cứ sự đe dọa sử dụng vũ lực nào và chúng tôi tiếp tục theo đuổi giải pháp hòa bình", ngoại trưởng Philippines nói.
Tuyên bố chung dài 19 trang được chia làm 10 phần khác nhau, trong đó gồm có nội dung về tầm nhìn ASEAN, ba trụ cột hướng tới việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, sự kết nối, các mối quan hệ bên ngoài ASEAN, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trong tuyên bố chung, có hai điểm nhắc tới Biển Đông, cho thấy sự nhận thức của các nhà lãnh đạo về tình hình tại vùng biển này. "Chúng tôi đánh giá cao việc trao đổi các quan điểm, bao gồm những sự khởi xướng và cách tiếp cận để tăng cường sự hiểu biết, lòng tin và đối thoại, cũng như giải quyết các vấn đề tại Biển Đông. Chúng tôi cũng lưu ý những đề xuất về việc thiết lập một đường dây nóng liên lạc", tuyên bố chung có đoạn.
"Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của Tuyên bố về Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (DOC), Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, và Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về kỷ niệm 10 năm ngày thông qua DOC", tuyên bố nhấn mạnh.
Một kết quả tích cực khác là việc Trung Quốc nhất trí tiếp tục thảo luận chính thức về bộ quy tắc ứng xử (COC) với ASEAN để kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Thái Lan Surapong Tovichakchaikul hôm 30/6 đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo chung ở Brunei, sau cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN - Trung Quốc.
Ông Vương nói Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng ASEAN và loại bỏ bất cứ sự "rối loạn" hay "quấy rầy" trong quá trình hợp tác xây dựng COC. Channel News Asia dẫn lời ông Vương nhấn mạnh tranh chấp Biển Đông không nên làm ảnh hưởng tới mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai bên. Ông cho rằng các bên đang ở "bước ngoặt lịch sử" với những cơ hội phát triển quan trọng phía trước.
Các ngoại trưởng Trung Quốc và ASEAN cũng đã đưa ra tuyên bố chung, trong đó cam kết "tiến tới việc ký kết bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận". Tuyên bố cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN có "quyết tâm và năng lực để biến Biển Đông một khu vực của hòa bình, hữu nghị và hợp tác".
Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp các quan chức cấp cao để chính thức thảo luận về COC vào tháng 9. Nhóm các Nhân sĩ và các Chuyên gia (EPEG) dự kiến được thiết lập để hỗ trợ quy trình này.
Mỹ, một trong những nước đối tác của ASEAN, cũng thể hiện quan điểm về COC. "Chúng tôi rất hy vọng được thấy tiến triển đối với một bộ quy tắc ứng xử quan trọng để giúp đảm bảo sự ổn định tại khu vực trọng yếu này", AFP dẫn lời ông Kerry nói tại cuộc gặp mặt với các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN tại Brunei.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Washington có "lợi ích quốc gia" trong việc đảm bảo tự do thương mại trên một tuyến đường biển có ý nghĩa quan trọng đối với thương mại thế giới. Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ông Kerry cũng nhắc lại rằng Mỹ không đứng về một bên nào trong các tranh chấp, nhưng có "lợi ích rõ ràng" trong việc đảm bảo an ninh ở Biển Đông.
Trong năm làm chủ tịch luân phiên của ASEAN, nước chủ nhà Brunei đã thành công trong việc tổ chức AMM 46 và các hội nghị ASEAN với những nước đối tác.
"Hiệp hội này đang bước vào một giai đoạn mới, với những sự quan tâm ngày một lớn từ nhiều quốc gia khác. Cộng đồng quốc tế dành sự quan tâm lớn đối với những việc mà chúng ta đang làm", Brunei Online dẫn lời bộ trưởng ngoại giao Brunei nói.
Nhật Nam