40 người, là đại diện của các thành viên Hiệp hội và Trung Quốc, sẽ đề xuất các giải pháp tăng cường hợp tác tìm kiếm và cứu người gặp nạn, xây dựng lòng tin, trong bối ảnh các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chưa được giải quyết triệt để.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cho rằng hiện nay trên khu vực biển còn "phức tạp và tiềm ẩn rủi ro" kể cả do thiên tai thời tiết và do con người, khiến cho ngư dân và người đi biển có thể gặp nạn. Ông nhấn mạnh rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Việt Nam đề cao quan điểm đối xử nhân đạo với người bị nạn.
"Ngư dân hay người đi tàu thuyền gặp nạn là đối tượng cần được đối xử nhân đạo. Cho dù còn có các vấn đề trong khu vực nhưng không thể để bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến việc đối xử nhân đạo" với họ, ông Vinh nói bên lề một cuộc hội thảo hôm nay ở Hà Nội.
Tàu cá xa bờ của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam, trên Biển Đông. Ảnh: Trí Tín |
Đề xuất của Việt Nam nhằm tăng hợp tác cứu hộ cứu nạn, như từng nêu ra từ năm 2010, được ông nhắc lại gồm: nguyên tắc nhân đạo; chia sẻ chính sách để các bên hiểu rõ; xác định đầu mối liên lạc của các quốc gia để mỗi khi có sự cố có thể liên lạc trực tiếp và nhanh chóng; thực hiện các biện pháp hỗ trợ ban đầu mỗi khi cần thiết; và xây dựng cơ chế hợp tác cứu nạn trong khu vực.
Ông Vinh nói thêm rằng điều quan trọng nhất cần làm hiện nay là xây dựng lòng tin, trong bối cảnh có tranh chấp. Điều này cũng được đề xuất bởi Trung Quốc, khi đại diện đoàn quan chức và học giả nước này nêu ý tưởng về các biện pháp cụ thể.
Ông Zhou Min, Phó chủ nhiệm văn phòng trực ban Trung tâm tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc, cho biết phái đoàn của ông đề xuất thiết lập đường dây nóng về tìm kiếm cứu nạn nhằm thông tin thông suốt và nhanh chóng. Một ý tưởng nữa là tổ chức các cuộc diễn tập cứu hộ trên phương diện thông tin cũng như diễn tập cứu hộ thực địa để dần dần tăng năng lực tìm kiếm cứu nạn của các bên.
Đại diện đoàn Indonesia, ông Agus Haryono, phó giám đốc Cục tác chiến tìm kiếm cứu nạn, thuộc Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, cho rằng những buổi thảo luận như thế này rất hữu ích bởi nó giúp xây dựng cơ chế hợp tác nhằm cứu hộ nhanh chóng hơn.
"Nên có thỏa thuận hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc về việc làm sao để đảm bảo an toàn hàng hải trên vùng biển khu vực", ông Agus nói. "Sự cố nào (trên Biển Đông) cũng nên được thảo luận và giải quyết trên tinh thần hữu nghị giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Mọi vấn đề đều có thể bàn bạc".
Việc thảo luận về tăng hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn giữa các nước ASEAN và Trung Quốc là một phần trong kế hoạch hành động nhằm triển khai bản Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử Biển Đông (DOC), qua đó xây dựng lòng tin. Các bên tham gia cuộc thảo luận, diễn ra đến hết ngày mai, sẽ đưa những khuyến nghị của mình lên các chính phủ liên quan xem xét.
Ánh Dương