Cục An ninh Quốc gia Armenia (NSS), cơ quan tình báo hàng đầu nước này, hôm 14/11 bắt cựu giám đốc Artur Vanetsyan và hai đồng phạm với cáo buộc tàng trữ và vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng, âm mưu lật đổ chính quyền và âm mưu ám sát nguyên thủ quốc gia.
Truyền thông Armenia cho hay Vanetsyan đã được triệu tập đến trụ sở Phòng Điều tra thuộc NSS, nơi ông bị bắt. Luật sư và người ủng hộ Vanetsyan nói rằng nhà bố mẹ và nơi làm việc của ông này cũng bị khám xét.
NSS sau đó ra thông cáo cho biết ba nghi phạm đã lên kế hoạch chiếm quyền điều hành đất nước bất hợp pháp bằng cách ám sát Thủ tướng Nikol Pashinyan và đang thảo luận về người thay thế ông. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về âm mưu này chưa được công bố.
NSS là cơ quan phụ trách tình báo và an ninh quốc gia của Armenia, ngoài ra còn quản lý lực lượng biên phòng, báo vụ cũng như đội vệ sĩ đảm bảo an toàn cho Thủ tướng. Vanetsyan từng là giám đốc NSS giai đoạn 2018-2019, trước khi rời lực lượng này để thành lập đảng đối lập Hayrenik (Tổ quốc).
Lusine Sahakyan, luật sư của Vanetsyan, gọi đây là "sự áp bức chính trị đáng xấu hổ", đồng thời kêu gọi Thủ tướng Pashinyan từ chức vì đã "nhượng lãnh thổ Armenia cho Azerbaijan".
Thủ tướng Pashinyan hôm 10/11 thông báo Armenia ký thỏa thuận đình chiến, chấm dứt các hành động thù địch với Azerbaijan. Theo thỏa thuận, Armenia trả lại quyền kiểm soát một số khu vực thuộc vùng xung đột Nagorno-Karabakh cho Azerbaijan và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai dọc biên giới hai nước để giám sát việc thực thi.
Pashinyan nói thỏa thuận ngừng bắn khiến dân Armenia giận dữ, song tin đó là lựa chọn đúng đắn để bảo vệ 25.000 binh sĩ khỏi nguy cơ bị bao vây và xóa sổ. "Điều này đến sau khi Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Armenia báo cáo cần dừng khẩn cấp cuộc chiến. Lãnh đạo vùng Nagorno-Karabakh cho biết thủ phủ Stepanakert có thể thất thủ trong vài giờ", Pashinyan nói.
Sau thỏa thuận ngừng bắn, hàng trăm người Armenia tại thủ đô Yerevan tràn vào đập phá dinh thủ tướng và tòa nghị viện, ẩu đả với các nghị sĩ và đánh bất tỉnh Chủ tịch quốc hội Ararat Mirzoyan. Hàng nghìn người Armenia ngày 11/11 tiếp tục biểu tình phản đối thỏa thuận ngừng bắn, gọi Pashinyan là "kẻ phản bội" và yêu cầu Thủ tướng từ chức.
Chiến sự giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh cùng vùng lân cận bùng phát hôm 27/9, là đợt xung đột vũ trang đẫm máu nhất sau khi hai nước đình chiến năm 1994. Khoảng 5.000 binh sĩ cùng dân thường của Armenia và Azerbaijan thiệt mạng trong đợt giao tranh.
Vũ Anh (Theo Armradio)