Ngày 10/5, 400 người đã đến trụ sở Phòng Cảnh sát Hình sự TP HCM tố cáo bị sàn giao dịch tài chính Busstrade chiếm đoạt tiền. Vụ việc thu hút nhiều ý kiến tranh luận.
Trước đó, ngày 25/4, hàng trăm người đến công an TP HCM tố cáo app Coolcat bỗng dưng biến mất. Lượng người nhận là nạn nhân đã lên đến hơn 2.000 và chưa dừng lại, số tiền họ đầu tư vào app là hơn một trăm tỷ đồng.
Liên tiếp hàng nghìn người bị các "ứng dụng kiếm tiền" lừa hàng trăm tỷ đồng trong thời gian ngắn được phanh phui, tố cáo nhưng vẫn không có sức cảnh báo, nhiều người vẫn như thiêu thân.
Câu hỏi đặt ra có phải người Việt ngây thơ, dễ bị lừa như nhận định trên chăng? Sau đây là một phần của câu trả lời:
"Chúng tôi không mù quáng, không phải là không biết gì. Lợi nhuận 1%-2% mỗi ngày thì không lạ với những người có kiến thức về đầu tư tài chính trực tuyến. Mục đích Busstrade mở ra để lừa đảo nên mới dẫn đến tình huống này, chứ nếu sàn thật có đội ngũ chuyên gia thật thì không thể xảy ra chuyện sập sàn", chị Hồng nói."
Lời của một người trong cuộc giãy bày khiến nhiều độc giả củng cố quan điểm cho rằng lòng tham che mờ lý trí, thậm chí bất chấp với hy vọng gom vốn lướt sóng kiếm tiền rồi rút trước khi sàn giao dịch sập.
Việc các sàn Coolcat hay Busstrade đổ bể có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng trôi bởi đang có rất nhiều ứng dụng khác đang hoạt động với thủ đoạn tương tự. Nhưng mặc cho mọi lời cảnh báo, những mô hình biết chắc là lừa đảo này vẫn có đất sống bởi nó đánh vào lòng tham của con người.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.