Ngày 2/8, Đại học Luật TP HCM thông báo mức học phí đối với sinh viên nhập học năm 2022 các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh (hệ đại trà) là 151 triệu đồng cho bốn năm. Đây là mức thấp nhất trong các ngành. Mức cao nhất là gần 766 triệu đồng, áp dụng với ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh). So với khóa sinh viên nhập học năm 2021, học phí áp dụng với khóa mới tăng mạnh từ 3 đến gần 70 triệu đồng một năm.
Trong đề án tuyển sinh ban hành hôm 23/6, Học viện Báo chí và Tuyên truyền công bố học phí dự kiến với sinh viên chính quy năm 2022 là hơn 440.000 đồng/tín chỉ với hệ đại trà và hơn 1,32 triệu đồng/tín chỉ với hệ chất lượng cao. Mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so năm 2021. Với 143 tín chỉ trong bốn năm học, trung bình mỗi năm sinh viên cần nộp 15,75-47 triệu đồng.
Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu mức cao nhất là 44,3 triệu đồng/năm với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. Các ngành còn lại, học phí cao nhất không quá 41 triệu đồng/năm. So với khi trường chưa tự chủ, mức thu này tăng gần ba lần.
Đây chỉ là ba trong số rất nhiều đại học tăng học phí từ năm học tới. Theo lý giải của các trường, học phí tăng bởi các đại học phải xây dựng khung mới, theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Theo khung quy định, học phí tất cả khối ngành năm 2022-2023 đều tăng so với năm trước từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm.
Với trường công lập tự chủ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần được quy định. Riêng các chương trình đạt mức kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường được tự xác định mức học phí dựa trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật của mình.
Tại hội nghị Tự chủ đại học ngày 4/8, PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng ban Ban Kế hoạch - Tài chính (Đại học Quốc gia TP HCM) chia sẻ ba nguồn thu chính tại các trường công lập gồm: ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư...). Trong đó, học phí là nguồn thu lớn và quan trọng nhất.
Khi các trường tự chủ, đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ giảm. Để giảm bớt gánh nặng học phí, các trường cần đẩy mạnh hoạt động để tăng nguồn thu khác nhưng việc gia tăng các nguồn thu phụ thuộc vào quy định pháp luật cũng như cần thời gian lâu dài. Vì vậy, các trường buộc phải tăng học phí.
Thực tế, việc tăng học phí giúp nhiều trường tăng doanh thu; giảng viên tăng thu nhập; cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hành, thực tập cho sinh viên tốt hơn, kéo theo tăng chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nó cũng có những mặt trái, nổi cộm là tạo áp lực lên vai người học.
Minh Đức (18 tuổi, Phú Thọ) lo lắng về việc chọn ngành học ngay từ khi chưa thi tốt nghiệp THPT. Bố mẹ là công nhân, tổng thu nhập một năm khoảng 200 triệu đồng. Số tiền này vừa dùng để chi tiêu hàng tháng, nuôi hai anh em ăn học xa nhà, trả nợ ngân hàng, khiến cả nhà phải nghĩ tới chuyện học phí đầu tiên thay vì chọn trường, ngành phù hợp với lực học.
Yêu thích Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng Đức bỏ qua ngay khi tìm hiểu, thấy học phí năm tới là 24-30 triệu đồng với chương trình chuẩn, 35-60 triệu đồng với một số chương trình khác.
"Với mức này, mỗi tháng ít nhất em đóng khoảng 3 triệu học phí, chưa kể sinh hoạt phí và hàng loạt chi phí khác. Tiết kiệm chắc cũng phải hết 6-7 triệu một tháng. Mà cả học phí lẫn chi phí sinh hoạt đều tăng hàng năm", Đức nói. Tính 10 tháng cho một năm học, em tiêu tốn một phần ba thu nhập của gia đình.
Suy nghĩ vậy, Đức đã tham gia sơ tuyển các trường quân đội để đăng ký một nguyện vọng vào khối trường này, kế đến là nguyện vọng vào ngành Sư phạm Toán của Đại học Sư phạm Hà Nội để được miễn học phí nếu trúng tuyển rồi mới tính đến các trường khác.
Thế Quốc (quê Nghệ An), chỉ đạt 18 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). Mức này không đủ để em trúng tuyển trường top đầu nhưng cũng có thể đỗ vào ngành kỹ thuật của nhiều trường. Tuy nhiên, nam sinh quyết định học cao đẳng.
"Em không muốn cố vào một trường đại học, bất chấp chất lượng đào tạo và mức học phí đắt đỏ. Gia đình làm nông nên em muốn tiết kiệm cho bố mẹ", Quốc nói. "Rõ ràng học phí ảnh hưởng nhiều đến quyết định của học sinh".
PGS Nguyễn Ninh Thụy cũng nhìn nhận mặt trái của việc tăng học phí trong các trường đại học công lập tự chủ là có thể làm giảm cơ hội được đến trường của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đại học Quốc gia TP HCM vừa khảo sát về tác động của Covid-19 với 39.000 sinh viên. Trên 52% đề nghị có chính sách hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn. 71,7% sinh viên của trường Đại học Quốc tế lo lắng về khả năng đóng học phí, con số này của trường Khoa học Tự nhiên là 57,6%.
Theo ông Thụy, học phí tăng tạo ra áp lực cho các gia đình, đặc biệt gia đình khó khăn trong khi chính sách tín dụng cho sinh viên hiện nay chưa hợp lý. Đầu tiên phải kể đến đối tượng vay hạn chế, chỉ sinh viên mồ côi hoặc thành viên của hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, có mức thu nhập thấp hoặc gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh mới được vay.
Dù được vay, mức cho vay cũng khá thấp, chỉ 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ so với học phí, khoản vay này bằng khoảng 0,5-1,21 lần học phí tối đa của trường tự chủ chi thường xuyên. Tuy nhiên, nếu so sánh mức sống, số tiền vay 2,5 triệu đồng/tháng chỉ chiếm khoảng 35-40% tổng chi phí học tập của sinh viên.
Chưa kể, thời hạn cho vay ngắn (sinh viên phải trả gốc và lãi lần đầu tiên ngay khi có việc làm nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học); thủ tục và phương thức vay phức tạp (người đứng tên vay phải là bố mẹ hoặc người giám hộ), lãi suất cho vay cao (hiện 6,6% năm).
Ngoài tác động đến người học, ông Thụy cho rằng học phí tăng còn làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ đại học. Ông Thụy lấy ví dụ với các ngành khoa học cơ bản, dù có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững đất nước nhưng ít được lựa chọn bởi với cùng một mức chi trả học phí, người học chọn các ngành "hot" để tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập sau ra trường.
Ngay cả trong nhóm ngành khoa học cơ bản lĩnh vực tự nhiên và xã hội cũng có sự biến chuyển đáng chú ý. Báo cáo tuyển sinh của Đại học Quốc gia TP HCM cho thấy sinh viên đăng ký vào các ngành khoa học nhân văn nhiều hơn hai lần so với khoa học tự nhiên.
"Xu hướng này có thể là do sự quan tâm của xã hội, gia đình và người học đang thay đổi nhưng cũng có thể do mức học phí. Nó có thể gián tiếp tạo ra 'khủng hoảng thừa' và 'khủng hoảng thiếu' về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần", ông Thụy nói.