Ngày 2/8, Đại học Luật TP HCM công bố điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT kèm thông báo về mức học phí áp dụng cho khóa 47 (tuyển sinh năm 2022) cùng lộ trình tăng học phí tới năm học 2025-2026.
Theo đó, sinh viên nhập học năm 2022-2023 các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh (hệ đại trà) nộp học phí thấp nhất - 151 triệu đồng cho cả khóa học kéo dài bốn năm. Hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179-204,7 triệu. Trong khi đó, ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) có học phí cao nhất, 765,9 triệu cho cả khóa.
Học phí các hệ, ngành đào tạo cụ thể như sau:
TT |
Khóa 47 |
Năm học 2022-2023 |
Năm học |
Năm học 2024-2025 |
Năm học 2025-2026 |
1. |
Hệ đại trà ngành: Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh |
31.250.000 |
35.250.000 |
39.750.000 |
44.750.000 |
2. |
Hệ đại trà ngành Quản trị - Luật |
37.080.000 |
41.830.000 |
47.170.000 |
53.100.000 |
3. |
Hệ đại trà ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý |
39.000.000 |
48.750.000 |
54.930.000 |
62.080.000 |
4. |
Hệ chất lượng cao ngành: Luật, Quản trị kinh doanh |
62.500.000 |
70.500.000 |
79.500.000 |
89.500.000 |
5. |
Hệ chất lượng cao ngành Quản trị - Luật |
74.160.000 |
83.660.000 |
94.340.000 |
106.200.000 |
6. |
Hệ chất lượng cao ngành Luật, giảng dạy bằng tiếng Anh |
165.000.000 |
181.500.000 |
199.700.000 |
219.700.000 |
So với khóa 46 (sinh viên nhập học năm 2021), học phí áp dụng với khóa nhập học năm nay ở các ngành đều tăng mạnh. Ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) tăng cao nhất, từ 15-69,7 triệu đồng mỗi năm. Tính tổng toàn khóa kéo dài bốn năm, học phí chương trình này cao hơn tới gần 200 triệu.
Ngành Luật, Quản trị kinh doanh (hệ chất lượng cao) có học phí tăng cao thứ hai (17,5-44,5 triệu đồng mỗi năm).
Với hệ đại trà, ngành Anh văn pháp lý tăng 3-44 triệu một năm. Ngành Quản trị-Luật tăng 19-35,1 triệu. Ngành Luật, Luật Thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh tăng 13,2-26,75 triệu.
Theo lý giải của trường, mức học phí áp dụng từ năm học tới được trường xây dựng theo khung mới, Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Năm ngoái, trường không tăng học phí so với năm 2020-2021 để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, sinh viên do ảnh hưởng của Covid-19, các đợt thiên tai bão lũ ở nhiều địa phương.
Riêng với chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Hiệu trưởng Đại học Luật TP HCM, cho biết học phí lên tới gần 766 triệu đồng cho khóa học bốn năm bởi chi phí cho các giảng viên, luật sư nước ngoài tới giảng dạy không rẻ. Chưa kể, học phí chương trình này bao gồm nhiều khoản khác như đưa sinh viên ra nước ngoài kiến tập, tổ chức lớp học ngoại khóa, trang bị cơ sở vật chất hiện đại trong lớp học.
"Theo tôi, đây không phải mức học phí cao", ông Hải nói và chia sẻ việc thu học phí như vậy nhằm đáp ứng mục tiêu của nhà trường là sử dụng lực lượng giảng viên giỏi, tổ chức lớp học theo tiêu chuẩn nước ngoài, từ đó đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng rất cao, tham gia tranh tụng ở đẳng cấp quốc tế.
Đại học Luật TP HCM là trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn nên học phí của người học được nhà trường xây dựng theo nguyên tắc từng bước tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo. Mức học phí được đưa ra nhằm đảo bảo đủ nguồn lực, nhanh chóng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận nền giáo dục đại học của các nước phát triển trong khu vực.
So với một số trường đào tạo Luật có tiếng khác, học phí của Đại học Luật TP HCM ở mức cao.
Là một trong những trường top đầu đào tạo các ngành về Luật tại khu vực phía Nam, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM áp dụng mức học phí 50,9 triệu đồng cho năm học tới ở chương trình chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh, thấp hơn mức thu của Đại học Luật TP HCM 3,2 lần. Ở hệ đại trà, trường Kinh tế - Luật thu hơn 21,5 triệu đồng với tất cả ngành, vẫn thấp hơn trường Luật TP HCM 1,4-1,8 lần.
Đại học Luật Hà Nội - ngôi trường đào tạo Luật hàng đầu khu vực phía Bắc, dự kiến thu học phí các ngành hệ đại trà 20 triệu đồng cho năm học 2022-2023. So với trường Luật TP HCM, mức này thấp hơn 1,5-2 lần. Học phí hệ chất lượng cao cũng thấp hơn 1,25-1,5 lần.
Theo kế hoạch, từ năm học 2022-2023, các trường sẽ áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Tại khung này, mức trần học phí tất cả khối ngành của trường đại học tăng từ 300.000 đồng đến 10,2 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 4/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị lùi áp dụng khung mới này thêm một năm. Khi đó, học phí năm học 2022-2023 của các đại học chưa đảm bảo chi thường xuyên được tăng nhưng không quá 15% so với mức thu của năm 2021-2022. Với đại học công lập tự chủ, tùy mức độ, học phí tối đa bằng 2-2,5 lần mức trần của trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Hệ số này được giữ nguyên theo Nghị định 81/2021.
Thu Hương