Tối cuối tuần, tôi và cô bạn video call tâm sự sau mấy tuần nghỉ ở nhà vì giãn cách. Chưa kịp chào hỏi, cô bạn ồ ạt trút nỗi lòng. Từ ngày làm việc ở nhà vì dịch, cả nhà ba người gồm hai vợ chồng, cậu con trai sáu tuổi đụng mặt nhau đến phát chán.
Anh chồng rảnh rỗi, dạy con mới sáu tuổi học tại nhà. Tập đọc, tập viết, đánh vần, ghép chữ, làm toán. Nhiều khi thằng bé lơ là, làm sai hoặc không hiểu dù bố giảng đi giảng lại nhiều lần. Bố liên tục quát tháo ầm ĩ khiến con khóc mè nheo. Đỉnh điểm khi con mê chơi ôtô đồ chơi, nói sau này muốn làm tài xế taxi chở ba mẹ đi chơi thì anh chồng giận dữ, tức điên lên.
Sở dĩ như vậy là vì chồng cô ấy là con trai một. Nhà chồng đẻ ba cô con gái rồi mới lượt chồng cô ấy là con trai. Ngày có thai, bạn tôi cũng rất áp lực vì nhỡ sinh con gái, thì phải chuẩn bị tinh thần sinh thêm con trai. Từ nhỏ, chồng cô bạn tôi được cưng, cả gia đình dồn sức cho ăn học. Không phụ lòng, anh ấy cũng đỗ đạt, làm công việc lương cao, có lộ trình thăng tiến rõ ràng.
Những điều có được là dưới áp lực của bố mẹ và họ hàng. Cô bạn kể, khi con mới ba tuổi, chồng đã cho chơi mấy trò chơi trí tuệ, xếp hình, chỉ dẫn những câu đố IQ cho trẻ. Nếu bé không chơi, không làm được thì thở dài, la lối. Bây giờ anh muốn định hướng cho con trai thành kỹ sư nối nghiệp bố. Khi cậu con sáu tuổi bi bô đòi làm tài xế taxi nên nổi cáu.
Một trường hợp khác, tôi có quen một người là cháu nam đích tôn, con một của dòng họ. Kết hôn năm đầu, thả mãi vợ vẫn chưa dính bầu. Cả gia đình hợp sức bồi bổ, chạy chữa. Đến khi cô vợ đẻ ra một bé gái xinh xắn thì cũng thở dài thất vọng. Ông bố của người này ngày ngày nhang khói, đi chùa cầu lễ với nỗi niềm không lẽ "họ ta đến đây là hết". Rồi ông cụ gây áp lực cho đôi trẻ phải có cho bằng được con trai, không được thì bật đèn xanh cho cậu con đi kiếm bên ngoài.
Tôi thấy trong xã hội, gia đình nào đông con cháu thì nguy cơ sứt mẻ tình cảm vì tranh giành đất đai, tài sản. Còn gia đình nào độc đinh, đích tôn thì con cháu phải gánh vác quá nhiều kỳ vọng từ các bậc cha mẹ ông bà. Những kỳ vọng lớn lao này không mất đi theo sự tiến bộ chung mà đang có xu hướng truyền từ đời bố sang đời con.
Bởi thế, có những gia đình làm ra bao nhiêu tiền đều dồn hết, đầu tư cho con học hành. Ngày học chính khóa, tối học thêm, về nhà lại học. Hết học tiếng Anh sang học đàn, học bơi, học múa... Tôi cứ tưởng chỉ sau một, hai thế hệ nữa thì Việt Nam ta nhan nhản những thiên tài đến nơi.
Có nhiều chuyện trời ơi, đất hỡi và những gánh nặng, kỳ vọng mà chỉ những người là con một, cháu đích tôn mới hiểu.
Tôi nghĩ chắc chỉ có ở những xã hội nông nghiệp, cụ thể là Á đông chúng ta mới có những khái niệm: nối dõi tông đường, con một, cháu đích tôn với hàm ý sẽ làm dòng họ rạng rỡ, tổ tiên vinh hiển. Từ đây, có sinh ra một lối suy nghĩ, con hơn cha là nhà có phúc.
Lối suy nghĩ này không sai. Nhưng vô hình trung, nó gây áp lực cực lớn cho những người là con một, cháu đích tôn. Và tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng từ đây mà ra.
Thanh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.