Giới chuyên gia nhận định Ukraine cần đảm bảo dòng chảy vũ khí từ phương Tây đến tiền tuyến không đứt gãy nếu muốn củng cố kiểm soát những vùng lãnh thổ vừa giành lại được ở Kharkov, biến tỉnh đông bắc thành bàn đạp chiến lược cho những mũi tiến công mới vào Donbass.
Thực tế này đang thúc đẩy giới chức Ukraine gây áp lực lên phương Tây, kêu gọi chuyển giao thêm nhiều vũ khí hạng nặng hiện đại như xe tăng chủ lực và thiết giáp. Cuộc đấu khẩu những ngày qua giữa Kiev và Berlin là một trong những ví dụ mới nhất về sức ép viện trợ vũ khí vào chiến trường Ukraine.
"Nhiều tín hiệu đáng thất vọng từ Đức, giữa lúc Ukraine cần Leopard và Marder để giải phóng và giải cứu đất nước. Họ không đưa ra bất kỳ lập luận nào hợp lý khi từ chối cung cấp những vũ khí này ngoài nỗi sợ và viện cớ mơ hồ", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuần trước công kích giới lãnh đạo Đức.
Trên thực tế, Đức đang là thành viên Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ kinh tế nhiều nhất cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát vào tháng 2. Họ xếp thứ 4 thế giới về hỗ trợ kinh tế cho Ukraine với tổng cam kết hơn 1,150 tỷ euro (gần 1,4 tỷ USD) xếp sau lần lượt Canada, Anh và Mỹ.
Đức cũng chi viện cho Ukraine một số vũ khí hiện đại, trong đó có pháo phòng không tự hành Gepard. Những tương trợ về mặt quốc phòng từ Berlin dù vậy vẫn không đạt kỳ vọng của Kiev lẫn Washington. Giới lãnh đạo Ukraine muốn Đức sớm hỗ trợ thêm xe tăng chiến đấu chủ lực cùng thiết giáp.
Trước sức ép ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuần qua nhấn mạnh nước này không muốn hành động một mình. Chưa nước nào trong nhóm đồng minh hay NATO đồng ý cung cấp xe tăng hiện đại do phương Tây thiết kế.
Không riêng nước Đức, các cường quốc châu Âu đang đối mặt chung bài toán về viện trợ vũ khí hạng nặng cho giai đoạn thứ ba của chiến sự Ukraine, khi nước này tổ chức phản công giành lại lãnh thổ, còn Nga vừa phát lệnh động viên để triệu tập thêm 300.000 quân.
Sau gần 7 tháng hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, kho vũ khí của những đồng minh châu Âu sắp đạt điểm giới hạn. Phần lớn vũ khí những tháng qua thuộc diện vũ khí thế hệ cũ, đã qua bảo dưỡng và nâng cấp. Từ bỏ số vũ khí này có lẽ không phải là quyết định quá khó khăn đối với các nước châu Âu ủng hộ Ukraine, theo Vox.
Thế nhưng, viện trợ vũ khí hiện đại thế hệ mới lại là câu chuyện khác. Lời đề nghị lần này đặt các nước phương Tây vào tình thế cần suy xét kỹ về tác động an ninh dài hạn, khi phải chấp nhận rút tiềm lực quân sự của mình hỗ trợ Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định vũ khí từ nước này và các đồng minh phương Tây rót vào Ukraine đã "góp phần dẫn đến cục diện khác xa kế hoạch của Tổng thống Nga". Theo Trung tâm Điều phối Viện trợ Quốc tế (IDCC), thuộc Bộ tư lệnh Lực lượng Mỹ ở châu Âu (USEUCOM) đặt tại thành phố Stuttgart của Đức, phương Tây đã viện trợ cho Ukraine hơn 172.000 tấn thiết bị quân sự và hơn 164 triệu đơn vị thiết bị quân sự sát thương lẫn phi sát thương.
Duy trì ổn định quy mô như vậy, đồng thời nâng cấp hỏa lực viện trợ cho Ukraine, đã trở thành là bài toán khó cho phương Tây. Thách thức lần này không còn mang tính chất ý chí chính trị mà là tính thực tế. Kho vũ khí của phương Tây, và quan trọng hơn nữa là khả năng sản xuất bù vào lượng vũ khí đã chia sẻ, đều có giới hạn nhất định. Bản thân Mỹ còn đang căng mình đối phó sức ép năng lượng và lạm phát, trong khi tình thế của châu Âu còn đáng lo hơn.
Chiến sự Ukraine càng kéo dài, những nước châu Âu nhiệt tình nhất với Kiev càng tiến gần đến thời điểm hết lựa chọn dễ dàng mỗi khi rút kho vũ khí viện trợ cho đồng minh, theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao về chuyển giao vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Các nước đang bước đến giai đoạn "dốc túi" hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là đạn pháo hạng nặng.
"Khi đó, họ sẽ bắt đầu thấy mình cạn túi, phải tìm cách lấp lại khoảng trống và phải làm điều đó càng nhanh càng tốt", ông nhận định.
Các đồng minh phương Tây chùn bước trước đề nghị hỗ trợ vũ khí tối tân và đắt giá cho Kiev vì họ nhận thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không nhanh chóng bơm thêm những vũ khí hạng nặng như xe tăng, thiết giáp và pháo tầm xa, những đầu tư trong 7 tháng cho Kiev có nguy cơ đổ bể một khi quân đội Nga mở đợt phản kích mùa đông và Ukraine thiếu nguồn lực cần thiết để chống trả.
Mặt khác, chứng kiến Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước châu Âu nhận thấy họ cần điều chỉnh lại chiến lược và tăng đầu tư quốc phòng để bảo vệ chính mình, tránh rơi vào kịch bản không ai ngờ tới.
Nếu chuyển giao vũ khí tối tân cho Ukraine, các nước châu Âu buộc phải chấp nhận tự làm suy yếu năng lực quốc phòng trong một thời gian dài vì họ khó có khả năng tái sản xuất hoặc mua bổ sung đủ nhanh với bối cảnh hiện nay, theo Max Bermann, giám đốc chương trình châu Âu thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) của Mỹ.
Cũng vì nỗi lo dòng chảy vũ khí bị gián đoạn mà Kiev đang tập trung sức ép ngoại giao vào Berlin. Theo giới chuyên gia, mọi nước phương Tây, trong đó có Mỹ, dường như đều đang trông chờ Đức là nước tiên phong chuyển xe tăng và thiết giáp hiện đại cho Ukraine. Kiev cũng nắm bắt được tâm lý này và muốn thuyết phục Berlin phát huy vai trò dẫn dắt.
"Nhiều nước châu Âu nghĩ rằng Đức vốn sẵn lòng gửi vũ khí cho Ukraine, thế nên họ có thể gửi nhiều hơn nữa", theo Nele Marianne Ewwers-Peters, chuyên gia về an ninh châu Âu tại Đại học Các lực lượng Vũ trang Liên bang ở Hamburg.
Tuy nhiên, theo Alexander Graef, nhà nghiên cứu tại Viện Hòa bình và Chính sách an ninh thuộc Đại học Hamburg, Berlin không muốn đơn độc gánh vác trách nhiệm.
Giới lãnh đạo Đức muốn bước tiếp theo của chiến lược viện trợ Ukraine cần có sự đồng thuận và hành động thống nhất ở phương Tây, san sẻ gánh nặng hy sinh nguồn lực quốc phòng. Các chính phủ châu Âu cần thay đổi mô hình mỗi nước một kiểu quyên góp như hiện nay, vạch ra kế hoạch phối hợp với tầm nhìn xa hơn nếu không muốn "hụt hơi", tìm lời giải cho những bài toán mở rộng quy mô công nghiệp quốc phòng, cân bằng nhu cầu an ninh giữa Ukraine và EU.
"Cung cấp vũ khí cho Ukraine là vấn đề cấp bách. Ukraine không thể chiến đấu mà không có vũ khí và họ muốn càng nhiều vũ khí càng tốt. Vấn đề của phương Tây là tìm vũ khí ở đâu vào thời điểm này để chuyển giao", Wezeman nhận định.
Thanh Danh (Theo Vox)