"Chúng ta sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ đất nước trước nguy cơ bị tập kích tên lửa hoặc máy bay không người lái (UAV)", Thủ tướng Áo Karl Nehammer ngày 1/7 thông báo.
Ông Nehammer khẳng định quyết định tham gia sáng kiến phòng không của Đức "không gây hoài nghi về tính trung lập của Áo", đồng thời nhận định "không một quốc gia châu Âu nào có thể tự bảo vệ hiệu quả không phận trước các nguy cơ mới".
Các quốc gia châu Âu giảm mạnh chi tiêu cho hệ thống phòng không sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, song điều chỉnh quan điểm sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát.
Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu do Đức dẫn đầu có sự tham gia của 17 quốc gia trong khu vực, trong đó có Anh, Bỉ, Phần Lan, Hungary, Hà Lan và Thụy ĐIển.
Theo sáng kiến, các nước tham gia sẽ cùng mua tổ hợp phòng không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, trong đó có mẫu Iris-T do Đức sản xuất, Patriot của Mỹ cùng tổ hợp Arrow-3 do Mỹ và Israel hợp tác phát triển.
Tuy nhiên, Pháp, Italy và Ba Lan không tham gia vào sáng kiến do Đức dẫn đầu. Pháp bày tỏ ủng hộ xây dựng hệ thống phòng không sử dụng thiết bị do các nước châu Âu chế tạo.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)