Tôi nhớ lại thời điểm hơn 15 năm trước, ông nội tôi chia đất thừa kế cho bốn người con trai. Hai bác tôi lớn tuổi hơn, lấy vợ ra riêng sớm nên giành phần đất ngon, vừa có đất nền nhà, vừa có đất vườn trồng cây ăn trái ở gần kênh lấy nước. Chú út thì mặc định hưởng phần gia tài còn lại.
Cha tôi là con thứ ba, không cả cũng không út nên thiệt thòi quá nhiều khi ông chỉ được chia miếng vườn cằn cỗi, cách xa con mương lấy nước gần nửa cây số. Thời thời điểm đó trồng trọt gì cũng khó khăn, lấy nước tưới tiêu cũng là một vấn đề vì phải kéo đường ống nhờ qua đất của hàng xóm.
Về phần đất nền, cha tôi lại được ít hơn khi chỉ được vài thước đất vỏn vẹn, đủ xây cái nhà nhỏ ở. Kế bên phần đất đó là một cái ao tù nước đọng. Bèo tây (lục bình) từ con sông nhỏ phía sau chảy vào và mắc kẹt lại. Chúng sinh sôi phát triển, kín cả cái ao. Các bác tôi thì chê, chối đây đẩy không chịu lấy cái ao này. Cha tôi, vốn hiền lành, không đòi hỏi gì nên nhận phần thiệt khi lấy cái ao đó.
Cái ao đó muốn thả cá cũng khó khăn, phải cải tạo lại vì nó cũng khá nông. Muốn lên liếp đất trồng cây ăn trái cũng phải bỏ một đống tiền ra cải tạo.
Thời điểm đó gia đình tôi rất khó khăn khi chị gái lớn vào đại học. Mỗi ngày ở quê chỉ kiếm được hơn trăm nghìn, đủ lo tiền chợ, điện nước. Một số người bàn với cha tôi nên bán cái ao đó cho khuất mắt để có vốn làm ăn nuôi con học đại học.
Cha mẹ tôi suy đi tính lại, có lúc yếu mềm đã định bán nhưng rồi đã giữ lại. Một mình ông đã phác cỏ, dọn bèo, cải tạo lại ao để trồng rau nhút, củ ấu. Chị tôi khi lên đại học cũng chủ động đi làm thêm kiếm tiền sinh hoạt, cố gắng đạt điểm cao sau mỗi học kỳ để giành học bổng nên tiền học không là gánh nặng của cha mẹ. Đến lượt tôi khi lên đại học cũng thế.
>> Đổi đời nhờ bán 'căn lều lụp xụp' ở trung tâm Sài Gòn
Về mảnh vườn cằn cỗi, cha mẹ tôi cũng định bán nhưng sau đó lại không. Nhờ sự quyết tâm giữ của, chăm chỉ lao động, tự lực vươn lên mà gia đình tôi bây giờ chưa giàu nhưng sống ổn, không phải quá lo lắng về kinh tế. Chị và tôi đều ăn học đến nơi đến chốn, làm việc có lương. Cha mẹ sống ở quê nhờ đất đai sự sinh lợi. Kéo nước tưới cho mảnh vườn cằn cỗi bây giờ đã dễ dàng hơn xưa.
Nói về cái ao đầy bèo và cỏ đó, nếu 15 năm trước ba mẹ tôi bán đi thì có lẽ bây giờ đã tiếc hùi hụi. Bởi vì sau khi bơm cát, cải tạo lại thì nó đã tăng giá lên rất rất nhiều lần. Vài năm trước, có một người ở thị trấn về hỏi mua mảnh đất từ cái ao bèo đó với giá gần 2 tỷ đồng để làm nhà nuôi yến. Một lần nữa, gia đình tôi lại nói không với việc bán đất.
Khi thấy bên dưới những bài viết về đất đai thừa kế có một số người hỏi "có nên bán đất nuôi con học đại học?", tôi nghĩ là không nên vì đây là một sự đánh đổi quá to tát.
Không ít người đã hối tiếc vì lương hàng tháng sau khi tốt nghiệp đại học không đuổi kịp giá đất tăng. Nhưng tôi nghĩ khác, mấu chốt ở đây rằng liệu việc học đại học của con cái, có phải cấp bách như cứu hỏa như việc cần tiền chữa bệnh hiểm nghèo không? Nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo thì bán. Còn tiền ăn học thì không nhất thiết phải bán đất. Có thể xoay xở kiếm tiền bằng cách làm thêm, săn học bổng...
Văn Thuấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.