Tôi đến TP HCM đã rất nhiều lần, từ những năm đầu giải phóng và sau này trong những chuyến đi công tác. Nhờ đó, tôi được chứng kiến sự thay đổi không ngừng của thành phố này về mọi mặt. Thành phố ngày một to đẹp hơn, kinh tế phát triển hơn, dân số đông hơn, văn hóa cũng đa dạng hơn vì có nhiều người từ các địa phương trên cả nước đến lập nghiệp tại đây.
Người thân của tôi sống tại đây và vì sự thân thiện của thành phố này nên tôi tự nhủ sẽ quay lại nhiều lần. Lần này, tôi tới TP HCM để đưa vợ đi chơi. Vợ rất tin tưởng vào sự thành thạo của tôi. Chúng tôi hiện là lớp người cao tuổi, nên rất nhiều thời gian. Chúng tôi đi thăm Bảo tàng thành phố tại quận 1. Khi về, chúng tôi quyết định trải nghiệm đi xe buýt về nhà.
Lần đầu tiên đi xe buýt tại thành phố nên vợ chồng tôi còn nhiều bỡ ngỡ. Chúng tôi tản bộ đến điểm trung chuyển xe buýt tại phố Hàm Nghi, quận 1 và bắt đầu tìm hiểu lộ trình. Vợ tôi đọc bảng hướng dẫn tại điểm chờ và tìm tuyến xe đi về phía nhà mình. Tôi muốn làm cách khác nhanh hơn, đó là hỏi những người lái xe hoặc người bán vé trên xe buýt.
Một chiếc xe buýt lao đến bến, tôi chờ mọi người trên xe xuống hết mới ngó đầu vào hỏi đường. Không thấy ai trả lời, nên tôi mạnh dạn leo lên xe để hỏi cho dễ hơn. Thế nhưng, chưa kịp hỏi, thì xe đã đóng cửa và lao đi vun vút. "Thôi chết rồi, vợ còn đang đứng ở bến, mà mình tự nhiên mất tích thế này", tôi nghĩ bụng và lo lắng. Sau đó, tôi vội vàng nói với tài xế: "Xin lỗi nhưng cậu làm ơn cho tôi xuống ở đây được không?". Nhưng người lái xe chỉ đáp lại: "Không xuống được, đến bến tiếp theo rồi xuống".
Lúc này, tôi rất lo cho vợ vì chẳng biết tôi đi đâu mà tìm. Tôi chỉ cầu mong cho vợ mình cứ ở đấy chờ chứ đừng đi đâu lung tung. Trên xe buýt lúc này không đông lắm, một số người biết câu chuyện của tôi nên rất thông cảm và chia sẻ, động viên. Một ông già đầu tóc bạc phơ, nói giọng Hà Nội lại lạc vợ giữa thành phố to lớn này, quả là một chuyện đáng ngại. Sau đó, tài xế chỉ dẫn cho tôi sang bên kia đường bắt xe số 56 ở bến kế tiếp để về lại bến cũ và ở đó bắt xe số 88 để đến nhà người thân.
Tới nơi, tôi cảm ơn, cúi chào bác tài và mọi người rồi xuống xe theo đúng hướng dẫn tại bến Bạch Đằng. Phải mất 10 phút tôi mới sang được phía bên kia đường vì mật độ xe cộ ở con đường này rất đông. Nhưng may mắn tôi cũng đến được bến xe buýt để chờ xe số 56 và quay lại tìm vợ. Tôi cứ chờ mãi nhưng chẳng thấy xe số 56 đến, trong lòng nóng như lửa đốt vì lo cho vợ.
Vừa hay, tôi nhìn thấy một tài xế xe ôm công nghệ đang đứng một mình, nên vội vàng vẫy lại. Anh chàng dừng lại, nghe tôi trình bày, sau đó nói tôi lên xe và đưa mũ bảo hiểm. Thấy người tài xế luồn lách giữa làn xe cộ đông đúc, tôi bắt đầu lo lắng và nghĩ linh tinh: "Nhỡ anh ta thấy mình ngu ngơ, già cả, lại nói giọng Bắc nên đưa mình đi đâu thì sao?".
>> Chia sẻ bài viết truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Chỉ đến khi nhìn thấy bảng tên phố Hàm Nghi, tôi mới yên tâm, thở phào nhẹ nhõm. Lướt nhanh trên con phố, ngồi trên xe tôi nhìn sang phía đối diện để tìm vợ nhưng không thấy. Đi tiếp một đoạn nữa, từ phía xa tôi nhìn thấy vợ mình vẫn đứng đó, đang ngóng tìm tôi. "Thật may vì vợ vẫn ở đó", tôi mừng thầm. Tới nơi, tôi cám ơn anh tài xế công nghệ và toan lấy tiền ra trả. Nhưng chàng trai trẻ nhanh nhảu xua tay không lấy, tôi nói thế nào anh cũng chỉ cười và nói "con giúp bác thôi, không lấy tiền đâu" rồi đi mất.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên, không ngờ rằng giữa một thành phố sôi động, giữa một cuộc sống mưu sinh, đầy cạnh tranh thế này mà vẫn có những tấm lòng thơm thảo đến thế. Tôi không kịp hỏi tên anh, vì khi nhìn lại đã thấy anh đã khuất trong đám đông, chỉ biết thầm cảm ơn vì một tấm lòng tốt đẹp giữa đời thường.
Trần Đăng Long