Vaccine dự kiến được triển khai tiêm chủng vào tuần tới, bổ sung vào nguồn cung của Pfizer đã được Anh sử dụng cho 600.000 người từ trước đó. Trong tuyên bố chính thức, đại diện AstraZeneca cho biết những liều đầu tiên sẽ phân phối ngay trong ngày "để việc tiêm chủng diễn ra sớm vào năm mới".
Hãng đặt mục tiêu cung cấp hàng triệu liều vaccine trong quý một năm 2021. Đây là một phần trong thỏa thuận 100 triệu liều với chính phủ Anh.
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove cho biết việc phê duyệt vaccine Oxford-AstraZeneca có thể giúp nước này dỡ bỏ lệnh hạn chế sớm hơn. Số ca nhiễm nCoV đang gia tăng ở London và khu vực miền nam, khiến các bệnh viện chịu nhiều áp lực.
Oxford-AstraZeneca cũng đưa ra mức giá rẻ hơn các hãng dược đối thủ. Vaccine của họ không cần bảo quản ở nhiệt độ cực thấp hay đòi hỏi loại tủ đông chuyên dụng.
Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot cho biết: "Hôm nay là ngày quan trọng đối với hàng triệu người Anh, những người sẽ sớm tiếp cận với loại vaccine mới này. Nó đã được chứng minh là có hiệu quả, đáp ứng tốt, phân phối đơn giản và được cung cấp phi lợi nhuận".
Theo ông Soriot, vaccine có thể hiệu quả chống lại chủng nCoV mới đang lây lan ở Anh. Vaccine Oxford được điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus cảm cúm vô hại (adenovirus) từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus chứa các gene từ nCoV. Khi tiêm vào tế bào người, chúng tạo ra protein giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này.
Tiến sĩ Richard Horton, tổng biên tập tạp chí y khoa The Lancet, nhận định đây là lợi thế khi phân phối sản phẩm ra toàn cầu.
"Vaccine Oxford-AstraZeneca có thể được triển khai một cách dễ dàng, hiệu quả và nhanh chóng hơn bất cứ sản phẩm nào khác", ông nói.
Hãng dược AstraZeneca cho biết không có sự cố nghiêm trọng liên quan đến vaccine được ghi nhận. Hiệu quả ngăn ngừa dao động 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm. Có hai liệu trình vaccine khác nhau trong thử nghiệm. Ở phác đồ một, tình nguyện viên nhận một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%. Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70%.
Đến nay, thế giới có 8 loại vaccine đã được cấp phép, thuộc về các đơn vị sản xuất như Pfizer-BioNTech, Moderna, Viện Gamaleya của Nga (Sputnik V), CanSino, SinoVac...
Thục Linh (Theo CNBC)