Hiệp hội Các nhà Chế biến Thịt nước Anh ngày 1/10 cho hay ngành này đang thiếu 15.000 lao động, khiến các lò mổ không thể hoạt động đủ công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khi nguồn cung lợn sống từ các trang trại lại dồi dào.
"Chúng ta đang lâm vào tình huống khủng hoảng thực sự trong ngành chăn nuôi lợn", Minette Batters, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Quốc gia Anh, cho hay. Bà cho biết 150.000 con lợn có thể bị tiêu hủy trong một tuần nếu chính phủ không cấp thị thực cho thợ giết mổ nước ngoài đến làm việc tại nước này để giải quyết vấn đề thiếu nhân công.

Một công nhân vác thịt lợn vào cửa hàng trên đường Streatham High ở phía nam London, ngày 16/8/2019. Ảnh: Reuters
Theo Batters, việc thiếu thợ giết mổ khiến lợn tiếp tục bị nhốt trong trang trại, không thể ra được thị trường, trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn được dự báo sẽ tăng lên đáng kể vào dịp Giáng sinh.
"Những con vật này sẽ không đi vào chuỗi thức ăn. Chúng phải được xuất chuồng, nếu không sẽ bị đem đi tiêu hủy", Rob Mutimer, chủ tịch Hiệp hội Lợn Quốc gia, cho hay, cảnh báo Anh có thể chứng kiến "một đợt tiêu hủy động vật hàng loạt".
Anh thắt chặt quy định nhập cư sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hồi tháng 1, khiến người dân và người lao động trong khối không thể tự do đi lại vào Anh. Nhiều lao động phổ thông đã rời khỏi Anh vì những khó khăn trong quy định hải quan, xuất nhập cảnh hậu Brexit.
Cuối tuần trước, chính phủ Anh thông báo miễn thị thực tạm thời cho 5.000 tài xế nước ngoài để cải thiện chuỗi cung ứng đang gặp nhiều vấn đề lớn do thiếu tài xế xe tải. Tuy nhiên, không nhiều lái xe mặn mà với lời chào mời này, do điều kiện lao động tại Anh được đánh giá là không tốt như nhiều nước châu Âu khác.
Nhiều tài xế xe tải và xe bồn chở xăng dầu đã rời khỏi nước Anh sau Brexit và trong đại dịch, ảnh hưởng tới chuỗi vận chuyển hàng hóa siêu thị và nhiên liệu, dẫn tới việc người dân mua tích trữ hàng hóa nhiều hơn.
Chính phủ Anh cũng tuyên bố cấp visa tạm thời cho 1.000 thợ giết mổ và các công nhân ngành chăn nuôi gia cầm vì lo ngại gà tây giống như các sản phẩm thịt lợn sẽ thiếu hụt vào dịp Giáng sinh. Ngành bán lẻ và khách sạn, những ngành có tỷ lệ tuyển dụng nhân viên thời vụ cao, cũng muốn chính quyền cho phép lao động nước ngoài quay lại.
Phát ngôn viên của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn cho hay chính phủ đang làm việc sát sao với ngành chăn nuôi và chế biến thịt để tìm ra phương án phù hợp giải quyết áp lực trước mắt.
Hồng Hạnh (Theo AFP)