"Thế giới đã theo dõi cách chính quyền Belarus dùng bạo lực trấn áp các cuộc biểu tình ôn hòa sau cuộc bầu cử tổng thống 'gian lận' này. Anh không chấp nhận kết quả đó", Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố hôm 17/8.
Ông Raab cảnh báo Anh sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế để trừng phạt những người chịu trách nhiệm và buộc giới chức Belarus phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
"Chúng ta cần tiến hành gấp một cuộc điều tra độc lập thông qua Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đối với các sai sót khiến cuộc bầu cử diễn ra không công bằng, cũng như hành động đàn áp sau đó", Ngoại trưởng Anh nói.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh được đưa ra khi làn sóng biểu tình bùng phát ở Belarus từ sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi hôm 9/8. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến ít nhất hai người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt.
Phe đối lập cáo buộc kết quả bầu cử có nhiều gian lận, song Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đã cầm quyền 26 năm, bác bỏ, viện dẫn kết quả chính thức cho thấy ông giành trên 80% phiếu bầu.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 10/8 cũng cáo buộc giới chức Belarus đã "sử dụng vũ lực với người dân" và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tổ chức hội nghị khẩn cấp về tình hình ở nước này.
Trong khi đó, Nga hôm 16/8 ra tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Belarus trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Lukashenko vẫn tiếp tục diễn ra. Nga cho rằng "sức ép từ bên ngoài" đang gây ra tình trạng bất ổn với các cuộc biểu tình chống Lukashenko, song không nêu rõ những sức ép đó đến từ đâu.
Tổng thống Lukashenko, 65 tuổi, nắm quyền lãnh đạo Belarus từ năm 1994. Ông Lukashenko hồi cuối tháng 7 thông báo nhiễm nCoV nhưng không xuất hiện triệu chứng và đã hồi phục. Lukashenko từng gọi Covid-19 là "bệnh tâm thần" hàng loạt và khuyến nghị công dân nên sử dụng phòng tắm hơi truyền thống hoặc uống vodka "để đầu độc virus".
Ngọc Ánh (Theo AFP)