Điện Kremlin ngày 16/8 ra tuyên bố cho hay Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko rằng Nga sẵn sàng thực hiện hiệp ước quốc phòng tập thể nếu cần thiết để trợ giúp Belarus "giải quyết các vấn đề" nảy sinh từ cuộc bầu cử tổng thống ở nước này cách đây một tuần.
Nga cho rằng "sức ép từ bên ngoài" đang gây ra tình trạng bất ổn với các cuộc biểu tình chống Lukashenko, nhưng không nêu rõ những sức ép đó đến từ đâu.
Theo hãng thông tấn Belta của Belarus, Tổng thống Lukashenko cho biết ông đã có một cuộc nói chuyện "dài và chi tiết" về vấn đề an ninh với Tổng thống Nga Putin.
"Tôi và Tổng thống Putin đã thống nhất rằng chúng ta sẽ nhận được hỗ trợ toàn diện trong việc đảm bảo an ninh của Belarus bất cứ khi nào chúng ta yêu cầu", ông nói.
Làn sóng biểu tình bùng phát ở Belarus từ sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ngày 9/8. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã khiến ít nhất hai người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt.
Phe đối lập cáo buộc kết quả bầu cử có nhiều gian lận, song Tổng thống Lukashenko, người đã cầm quyền 26 năm, bác bỏ, viện dẫn kết quả chính thức cho thấy ông giành trên 80% phiếu bầu.
An ninh được thắt chặt ở thủ đô Minsk hôm nay khi hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống Lukashenko tập trung tại đây lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử để bày tỏ ủng hộ đối với ông và nghe ông phát biểu. Nơi những người ủng hộ tập trung cũng chính là khu vực mà phe đối lập dự kiến tổ chức một cuộc biểu tình quy mô nhằm phản đối kết quả bầu cử.
"Đất mẹ đang lâm nguy", một người nói lớn với đám đông đang đồng thanh hô: "Chúng ta phải đoàn kết, không bị chia rẽ". Một số người tham gia tuần hành mang theo quốc kỳ Belarus và hô to "Vì Belarus" hay "Vì Batka" (biệt danh của Tổng thống Lukashenko).
"Tôi ủng hộ Lukashenko", Alla Georgievna, 68 tuổi, nói. "Tôi không hiểu vì sao mọi người lại chống đối ông ấy. Chúng tôi được nhận lương và lương hưu đúng hạn là nhờ ông ấy".
Trong bài phát biểu, Lukashenko nói rằng xe tăng và máy bay của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được triển khai cách biên giới Belarus chỉ 15 phút. NATO cho biết họ đang theo dõi sát sao tình hình nhưng không có bất kỳ động thái điều động quân sự nào ở biên giới phía tây Belarus.
"Việc NATO hiện diện ở phía đông của liên minh không phải mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Động thái này có tính chất phòng thủ nghiêm ngặt, tương xứng và được thiết kế để ngăn chặn xung đột cũng như bảo vệ hòa bình", phát ngôn viên NATO Oana Lungescu nói.
Lukashenko trước đó nói có một âm mưu lật đổ do nước ngoài hậu thuẫn nhằm vào ông và rằng Belarus đang đứng trước áp lực.
"Quân đội NATO đang đứng trước ngưỡng cửa đất nước chúng ta. Lithuania, Latvia, Ba Lan và Ukraine đang yêu cầu chúng ta tổ chức các cuộc bầu cử mới", ông nhấn mạnh và thêm rằng đất nước Belarus "sẽ chết" nếu cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức lại.
"Tôi không bao giờ phản bội các bạn và sẽ không bao giờ làm điều đó", Tổng thống Lukashenko tuyên bố.
Sviatlana Tsikhanouskaya, đối thủ của Lukashenko trong cuộc bầu cử, đã kêu gọi tổ chức một cuộc "tuần hành tự do" lớn tại trung tâm thủ đô Minsk và các thành phố, thị trấn khác vào ngày 16/8.
Những người biểu tình phản đối mang theo cờ đỏ và trắng, hô vang các câu khẩu hiệu như "Lukashenko từ chức" hay "chúng tôi sẽ không lãng quên hay tha thứ".
Alexei, một công nhân 31 tuổi, cho hay hành động của người biểu tình có thể sẽ không chỉ dừng ở ngưỡng hòa bình nếu họ không đạt được điều mà họ muốn. "Tất cả chúng tôi đều muốn Tổng thống Lukashenko từ chức", anh nói. "Hiện tại, chúng tôi đang đưa ra yêu cầu nhưng chúng tôi rồi sẽ phát chán việc yêu cầu".
Nga đang theo dõi sát mọi diễn biến ở Belarus bởi một số đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu đều đi qua nước này. Bên cạnh đó, Belarus từ lâu đã được Moskva coi là vùng đệm an toàn trước NATO.
Tổng thống Putin và Lukashenko đã điện đàm hai lần vào cuối tuần qua. Trước cuộc bầu cử, mối quan hệ giữa Nga và Belarus vốn đã căng thẳng do Nga cắt giảm các khoản trợ cấp hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Lukashenko.
Hai quốc gia láng giềng năm 1999 từng ký một thỏa thuận để thành lập nhà nước liên bang Nga và Belarus. Nhưng dự án trên chưa từng được thực thi đầy đủ. Gần đây, Tổng thống Lukashenko còn khước từ những lời kêu gọi từ phía Nga về việc thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế gần gũi hơn.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, Sputnik)