Nếu chỉ tính ở các giải đấu lớn, trận cầu ngày mai mới là lần chạm trán thứ ba giữa Italy và Anh, với ưu thế đang nghiêng về đội bóng đến từ Nam Âu. Cụ thể, Italy thắng cả hai, 1-0 (Tardelli 79) ở vòng bảng Euro 1980, và 2-1 (Roberto Baggio 72, Schillaci 86 pen - Platt 82) trong trận tranh hạng ba World Cup 1990. Trong cả hai lần, Italy đều là chủ nhà.
Cả hai đang sở hữu mạch bất bại ấn tượng chỉ tính trong các trận đấu chính thức (Anh 11, Italy 13) và đều lấy phòng ngự phản công làm kim chỉ nam cho lối chơi. Họ cũng đá linh hoạt với các biến thể của sơ đồ 4-4-2 và được dẫn bắt bởi những nhà cầm quân có khuynh hướng thận trọng, thậm chí có phần thực dụng, là Roy Hodgson và Cesare Prandelli.
Italy đang chiếm ưu thế đối đầu, khi thắng chín, hòa sáu và mới bảy lần thua Anh. |
Những ngôi sao được chờ đợi nhất trên hàng công hai đội và có thể góp tiếng nói quyết định số phận trận đấu cũng đều đang chơi bóng tại Manchester, Anh, với Rooney trong màu áo MU và Balotelli ở Man City. Ở vị trí chốt chặn trong khung gỗ, Anh và Italy đều đang sở hữu những thủ môn vào loại hay nhất thế giới bóng đá hiện tại, với Buffon, 35 tuổi, dày dạn kinh nghiệm qua 117 trận quốc tế, và Joe Hart, người trẻ hơn 10 tuổi nhưng vừa có gần hai năm khẳng định bản thân bằng phong độ chói sáng trong màu áo Man City.
Nhưng giữa những nét tương đồng đó, hai đội vẫn có một số khác biệt cơ bản. Phòng ngự, xưa nay, đã là đặc sản của bóng đá Italy, và không dễ từ bỏ trong ngày một ngày hai, dù từ khoảng năm năm nay, bản thân nền bóng đá này không còn sản sinh ra những ngôi sao phòng ngự tầm cỡ thế giới nữa. Nhưng dưới thời HLV Prandelli, họ đang hướng đến một cách tiếp cận khoáng đạt, tốc độ và mang hơi thở thời đại hơn, thay vì trung thành với lối đá chậm, lắt nhắt, nặng về chiến thuật trong quá khứ.
Ngược lại, sau rất nhiều trải nghiệm đau đớn khi đeo đuổi lối chơi đẹp cùng cách suy nghĩ tự xem bản thân ở cửa trên, cộng thêm cuộc khủng hoảng nhân sự vì chấn thương trước giải, Anh đến với Euro 2012 lần này với tâm thế của một kẻ chiếu dưới. Thầy trò Hodgson đều quán triệt quan điểm rằng trước khi tìm kiếm chiến thắng, "Tam Sư" phải đảm bảo họ không bị đối phương chọc thủng lưới.
Italy - rủi ro từ sự nửa vời
Sự thay đổi về tư duy và nhận thức đều đã cho kết quả tích cực, thể hiện qua việc cả hai đều vượt qua những bảng đấu khó khăn của họ để góp mặt ở vòng tám đội cuối cùng. Tuy nhiên, xét về mặt hiệu quả, một tuyển Italy-phóng-khoáng có phần lép vế khi đặt cạnh một tuyển Anh-phòng-ngự- thực dụng.
Với cách chơi phòng ngự đã ăn sâu vào tiềm thức, các tuyển thủ Italy dù cố hết sức vẫn chưa thể thích nghi hoàn toàn với phương thức tiếp cận trận đấu có phần mới mẻ của Prandelli. Hành trình vòng bảng thể hiện rõ nét sự nửa vời. Không tính trận thắng đối thủ quá yếu CH Ireland 2-0 ở lượt cuối, Italy chỉ đá có nét trong trận đầu hòa Tây Ban Nha. Trước Croatia, một đối thủ đá thận trọng và được tổ chức tốt, họ ngay lập tức gặp vấn đề - tấn công không hiệu quả và phải trả giá khi hàng thủ không giữ được sự tập trung.
Italy vẫn chưa đạt yêu cầu khi tấn công thiếu hiệu quả, trong khi phòng ngự không còn giữ được sự tập trung và kỷ luật thường thấy. Ảnh: AFP. |
Xét về tính tổ chức của cả hệ thống, cũng như năng lực ở từng cá nhân, Anh rõ ràng ở một trình độ cao hơn hẳn so với Croatia và điều đó ẩn chứa những hiểm họa khó lường cho Italy. Đấy là chưa kể HLV Prandelli đang đau đầu với hàng loạt bài toán hóc búa về nhân sự. Balotelli đã nổ súng, nhưng tính khí bốc đồng và việc anh thường không có duyên khi đá chính sẽ khiến Prandelli phải cân nhắc giữa việc đưa tài năng 20 tuổi trở lại đội hình xuất phát hay chỉ tung anh vào sân ở hiệp hai khi cặp Cassano - Di Natale có dấu hiệu mệt mỏi.
Một câu hỏi nữa với Prandelli là ông sẽ làm thế nào để khỏa thấp khoảng trống mà trung vệ trụ cột vừa dính chấn thương nặng là Chiellini để lại nơi hàng thủ. De Rossi từng chơi trung vệ rất hay trước Tây Ban Nha, nhưng việc kéo anh xuống đá cặp với Barzagli rất có thể sẽ làm suy yếu tuyến giữa, nhất là khi một tiền vệ có thiên hướng phòng ngự khác là Thiago Motta đang bị đau và không chắc kịp bình phục ra sân. Hai phương án còn lại, Bonucci và Ogbonna, thì đều không nhận được sự tin tưởng cao nhất.
Anh - càng đá càng sắc sảo
Sự du nhập các nhà cầm quân người Italy cùng áp lực chiến thắng khiến ngày càng có nhiều CLB giải Ngoại hạng Anh chuyển sang đá thực dụng thiên về phòng ngự. Thành công của Chelsea, với một HLV Italy - Di Matteo - và thứ bóng đá catenaccio thứ thiệt mà ông áp dụng, ở Champions League mùa vừa qua là một ví dụ. Các tuyển thủ Anh vì thế không mất quá nhiều thời gian để thích nghi vào lối chơi phòng ngự chặt, phản công nhanh dưới thời Roy Hodgson.
Những con người mà "Tam Sư" hiện có cũng rất hợp với lối chơi này và là chất liệu lý tưởng để Hodgson nhào nặn nên một tập thể có tính tổ chức, phòng ngự kỷ luật và rất giỏi chớp thời cơ. Tiền vệ thủ quân Gerrard chính là hình mẫu cho sự chuyển mình tích cực ấy khi anh hòa nhập cực tốt và trở thành thủ lĩnh trong cách chơi mới của tuyển Anh.
Tiền vệ 32 tuổi của Liverpool điều tiết trận đấu, tranh chấp tay đôi với đối thủ, lao về phòng ngự, và dâng cao để hỗ trợ hàng công khi cần thiết, tất cả đều với sự tập trung cao độ và ý chí mạnh mẽ. Những đường chuyền, quả tạt, các pha đá phạt của Gerrard trở thành một thứ vũ khí lợi hại để Anh tìm kiếm bàn thắng.
Rooney trở lại, tuyển Anh như hổ được chắp thêm cánh trong các tình huống phản công nhanh.Ảnh: AFP. |
Việc Rooney trở lại sau án phạt, như trận cuối vòng bảng thắng chủ nhà Ukraine 1-0 đã chứng tỏ, càng khiến lối chơi phòng ngự phản công của "Tam Sư" thêm phần lợi hại. Sự mẫn cảm trong việc đánh hơi cơ hội, độ chính xác ở những cú ra chân cuối cùng, kỹ năng chạy chỗ của Rooney lấp đầy những khoảng trống trên hàng công mà tuyển Anh bộc lộ trong hai trận đầu.
Không như người đồng nghiệp khốn khổ Prandelli, Hodgson hoàn toàn an tâm với đội ngũ đang tự tin cao độ và sung mãn chưa từng thấy. Nỗi lo bị nhận thêm thẻ phạt và có thể bị treo giò ở bán kết với năm cầu thủ , trong đó có các trụ cột như Ashley Cole, Gerrard, Milner, cũng được gạt sang một bên khi Hodgson làm công tác tư tưởng giúp các cầu thủ nhận thức rõ đây là lúc lợi ích tập thể cần được đặt lên trên lợi ích của mỗi cá nhân.
Với những chất liệu đó, liệu đã đến lúc Anh nghĩ về chiến thắng đầu tay trước Italy và mở ra một trang sử mới cho "Tam Sư" ở các vòng chung kết World Cup hoặc Euro, nơi họ chưa từng biết mùi chiến thắng trước những đối thủ lớn, trong các trận knock-out?
Đội hình xuất phát dự kiến |
Phương My