Sáng sớm tinh sương, gần 30 ông ông bà tuổi từ U60 đến U80 đã tề tựu đông đủ ở gian bếp từ thiện chật hẹp trên đường Rạch Bùng Binh để chuẩn bị bữa ăn cho sĩ tử từ khắp nơi đổ về TP HCM dự thi đại học. Mùa thi năm nay kéo dài từ ngày 3 đến 10/7, cũng là thời gian bếp ăn từ thiện hoạt động hết công suất.

Bà Phương (giữa), người sáng lập bếp ăn từ thiện đang cùng các hội viên Hội Cựu chiến binh, Cựu Thanh niên xung phong và Chi hội từ thiện Huỳnh Mai (thuộc Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo) đóng hộp thức ăn để chuyển đến các trường thi cho sĩ tử. Ảnh: T.T.
Bà Nguyễn Thị Phương (72 tuổi) là người sáng lập bếp ăn từ thiện từ năm 2008 đến nay. Bà cho biết, vào những ngày bình thường, đây là nơi cung cấp suất ăn cho hàng trăm người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi và sinh viên khó khăn trên địa bàn. Riêng đến mùa thi đại học, bếp phải hoạt động hết công suất để tiếp tế cơm trưa cho hàng trăm sĩ tử nghèo ở 3 điểm thi: Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM, ĐH Kinh tế và ĐH Quốc tế.
"Năm nay chúng tôi sẽ phát 2.000 suất ăn miễn phí cho các cháu. Mỗi phần cơm đều được tính toán sao cho có đủ chất dinh dưỡng, gồm một món mặn (thịt hoặc cá, trứng), đồ xào (rau, củ) và canh. Thực phẩm cũng được lựa chọn kỹ lưỡng và chế biến sạch sẽ để đảm bảo an toàn", bà cụ từng được Thủ tướng trao bằng khen và huy chương vì sự nghiệp nhân đạo, chia sẻ.
Ước tính trung bình mỗi suất cơm cùng một chai nước suối phát cho một sĩ tử trị giá 20 nghìn đồng. Toàn bộ kinh phí đều do các mạnh thường quân giúp đỡ và hội viên tự đóng góp. "Có người từ nơi xa nghe tin cũng tìm đến cho tiền, gạo hay thực phẩm để chung sức với chúng tôi lo cho người nghèo. Chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của bà con, được đồng nào hay đồng ấy để duy trì bếp ăn miễn phí này", bà Phương chia sẻ.

9h sáng, các sinh viên tình nguyện giúp chuyển cơm từ bếp ăn từ thiện đến các trường thi cho sĩ tử. Ảnh: T.T.
Đảm nhận vai trò đầu bếp chính là bà Duyên Minh Châu (54 tuổi). Người phụ nữ này từng là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong có nhiệm vụ cáng thương, tải đạn ở chiến trường Tây Nam thời chiến tranh biên giới. Khi chiến tranh kết thúc, bà trở thành đầu bếp chính cho một công ty nước giải khát quốc tế. "Nhờ kinh nghiệm nấu ăn cho đông người nên tôi chuẩn bị thức ăn cho hàng trăm sĩ tử cũng không khó khăn gì lắm", bà nói.
Hàng ngày, vợ chồng bà Châu phải dậy từ 3h30 sáng để chuẩn bị sơ chế thực phẩm, từ nhặt rau, thái thịt, nấu canh... Riêng những ngày cao điểm, bếp cơm không đủ chỗ nấu, ông bà phải mang gạo sang nhờ các ni cô, phật tử ở một ngôi chùa gần đó nấu dùm.
Mang bệnh tim nhiều lúc trái gió trở trời lên cơn đau, song bà Châu luôn hăng hái với công tác từ thiện chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh. Túc trực cả ngày ở bếp ăn từ thiện, sau khi lo cho sĩ tử xong lại tất bật lo bữa ăn cho người nghèo trong vùng, người phụ nữ này luôn xem đây là cơ hội để trả ơn đời.
"Làm công việc này cũng như mình trả ơn đời, trả ơn người. Trước đây người lính tham gia chiến đấu được người dân ủng hộ, cưu mang, đến bây giờ bản thân giúp được gì cho dân thì giúp. Hiện nay còn rất nhiều mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ, mình giúp chút công sức nhỏ bé giúp họ bớt khó khăn hơn", người phụ nữ đưa tay lau gương mặt lấm tấm mồ hôi, nói.

Sau khi lo cơm trưa cho sĩ tử, các tình nguyện viên của bếp cơm từ thiện lại tất bật phát cơm cho các cụ già neo đơn, trẻ mồ côi trên địa bàn. Ảnh: T.T.
Đánh giá cao những đóng góp của các cựu binh với bếp ăn từ thiện, ông Đặng Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 10 nói: "Hội rất tự hào về công việc của các anh chị đang làm ở đây. Họ đã góp phần giúp ích cho cộng đồng, đặc biệt là những người có hoàn cảnh kém may mắn. Hành động ấy góp phần làm cho hình ảnh người lính thời bình trở nên đẹp và gần gũi hơn trong mắt nhân dân".
Từng tham gia 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ và chiến tranh biên giới, ông Tùng Lâm thường xuyên trích lương hưu để ủng hộ bếp ăn từ thiện cũng như 4 bếp ăn do Hội thành lập tại một huyện nghèo ở miền Trung. Bên cạnh đó, các cựu chiến binh còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng hàng chục căn nhà tình thương cho người tàn tật, neo đơn ở khắp mọi miền tổ quốc.
Thi Ngoan