Theo công bố của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 21/2, nợ công nước này đã chạm mốc 1.260 tỷ bảng, tương đương 73,8% GDP. Việc hai tổ chức tín dụng Northern Rock và Bradford & Bingley bị quốc hữu hóa đã khiến nợ công của Anh tăng thêm 71 tỷ bảng. Chi tiêu công tháng 1 của cũng cao hơn 2,1 tỷ bảng so với năm ngoái, bất chấp việc tiền lãi phải trả giảm 900 triệu bảng do lãi suất trái phiếu chính phủ Anh xuống thấp kỷ lục.
Số liệu cũng cho thấy trong 10 tháng đầu năm tài chính 2012 (bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái), chính phủ Anh đã vay 97,6 tỷ bảng, nhiều hơn 5,3 tỷ bảng so với cùng kỳ. Vì vậy, giới phân tích nhận định thâm hụt năm 2012 của nước này sẽ tăng thay vì giảm như Chính phủ từng hứa hẹn.
Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại Hãng nghiên cứu Markit cho biết khoản vay của chính phủ có thể cao hơn dự kiến tới 10 tỷ bảng. Williamson nói: "Chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc tài khóa 2012, số nợ vẫn tiếp tục tăng và mục tiêu của chính phủ dần trở nên xa vời. Xếp hạng tín nhiệm Aaa đang bị đe dọa nghiêm trọng".
![]() |
Kinh tế Anh dần trở nên u ám vì vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách. Ảnh: WSJ |
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Tài chính Anh lại cho biết: "Những số liệu trên càng củng cố phát biểu của Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BOK) tuần trước: Con đường phía trước còn rất nhiều gian nan, nhưng nền kinh tế vẫn đang đi đúng hướng. Thâm hụt đã giảm một phần tư trong hai năm qua và hơn 1 triệu việc làm trong lĩnh vực kinh tế tư nhân đã được tạo ra".
Tuy nhiên, hôm qua (23/2), hãng đánh giá tín nhiệm Moody's đã hạ một bậc xếp hạng của Anh, từ Aaa xuống Aa1 với triển vọng nợ quay về mức ổn định. Moody's cho rằng nợ công nước này đang ngày càng lên cao, trong khi bảng cân đối kế toán của Chính phủ lại diễn biến xấu đi. Tình trạng này khó có thể đảo ngược trước năm 2016. Hai hãng xếp hạng tín nhiệm lớn còn lại là Fitch và Standard & Poor’s vẫn đặt Anh trong tình trạng sẵn sàng hạ bậc.
Thông báo trên đã khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 31 tháng so với USD. Bảng Anh đã giảm 5,6% năm nay và là đồng tiền có diễn biến kém thứ nhì sau yen trong nhóm 10 nước phát triển được Bloomberg theo dõi.
Tăng trưởng cũng đang là mối lo ngại rất lớn tại đây. Quý IV năm ngoái, GDP của Anh giảm 0,3%, làm dấy lên mối lo ngại nước này sẽ rơi vào suy thoái lần 3. Moody’s cũng cảnh báo Anh có thể “tăng trưởng rất yếu ớt” trong nửa cuối thập kỷ này.
Chính phủ và Ngân hàng trung ương Anh đã áp dụng rất nhiều biện pháp tài khóa và tiền tệ để giải quyết vấn đề trên, trong đó có cả suy trì lãi suất thấp và các chương trình khuyến khích ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, những biện pháp này đều không có hiệu quả đáng kể.
Bart Oosterveld, Giám đốc điều hành bộ phận đánh giá tín nhiệm của Moody’s cho biết: "Chúng tôi dự đoán nợ công của Anh sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Nợ của nước này sẽ chưa thể ổn định trước năm 2016".
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá động thái trên sẽ không làm tăng đáng kể chi phí đi vay của Anh. Trái phiếu Chính phủ nước này những năm gần đây rất được ưa chuộng, do các nhà đầu tư chuyển từ các nền kinh tế chật vật tại eurozone tới các nước châu Âu có nền tảng mạnh hơn, hoặc sang các quốc gia phát hành bằng nội tệ. Việc BOK nới lỏng tiền tệ thông qua mua lại trái phiếu chính phủ cũng giúp ghìm lãi suất và hạn chế chi phí đi vay.
Bộ trưởng Tài chính Anh Geogre Osborne tỏ ra không quá quan tâm đến vấn đề xếp hạng tín nhiệm. Tháng 12 năm ngoái, ông từng nêu quan điểm này trước Nghị viện, dù thừa nhận bị hạ bậc "chẳng phải điều tốt đẹp gì". Osborne cho rằng đó chỉ là phép thử với các chính sách kinh tế của Anh, và vấn đề là họ có thể vay được bao nhiêu với xếp hạng đó mà thôi.
Ông cũng đổ lỗi tình hình kinh tế hiện tại do các khoản nợ chồng chất trong nhiều năm và cuộc khủng hoảng nợ công tại eurozone, thị trường xuất khẩu chủ chốt của Anh. Dự kiến ngày 20/3 tới, Thủ tướng này sẽ công bố kế hoạch ngân sách cho năm 2013.
Hà Thu (tổng hợp)