Nhiều nhà phân tích dự đoán Olympic London sẽ giúp kinh tế Anh tăng trở lại, sau việc thời tiết xấu và kỳ nghỉ dài mừng 60 năm Nữ hoàng lên ngôi làm GDP nước này giảm 0,7% trong quý II. Capital Economics nhận định một lượng lớn người hâm mộ thể thao đổ đến đây cũng như lợi nhuận từ bán đồ lưu niệm có thể nâng GDP thêm 0,3% trong những tuần tới, giúp Anh tăng trưởng thêm 0,8% trong quý III.
Tuy nhiên, các chuyên gia, và thực tế trong lịch sử, đều cho rằng đây chỉ là hiệu ứng ngắn hạn. Kinh tế Anh vẫn có thể thụt lùi trở lại vào cuối năm nay. Nhà phân tích Samuel Tombs của Capital Economics cho biết: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng khủng hoảng eurozone là tác động lớn nhất”.
Olympic London chỉ có thể giúp Anh tăng trưởng trong ngắn hạn. Ảnh: London2012.com |
Ông dự đoán GDP Anh có thể giảm 0,4% vào quý cuối, đồng nghĩa với việc tăng trưởng cả năm sẽ mất 0,5%. Đây sẽ là một tin rất tồi tệ đối với Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne khi Văn phòng quản lý ngân sách dự đoán GDP năm nay tăng 0,8%.
Lấy dữ liệu về các kỳ Olympic từ thời Tokyo 1964, các nghiên cứu của Citigroup chỉ ra rằng việc GDP vọt lên trước giải đấu thường kéo theo tăng trưởng ì ạch trong 6 tháng. Nhà kinh tế học Michael Saunders kết luận tăng trưởng có xu hướng mạnh lên khi giải đấu trong giai đoạn chuẩn bị, nhưng thường giảm dần từ trước cả khi Olympic bắt đầu, và tăng trưởng sau đó sẽ ngày càng yếu.
Gần như tất cả các nước từng tổ chức Olympic từ năm 1980 tới nay đều có hai quý trước giải đấu tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với hai quý sau. Tình trạng suy giảm tồi tệ nhất diễn ra ở Hàn Quốc năm 1988, Tây Ban Nha năm 1992 và Trung Quốc năm 2008. Chỉ duy nhất Olympic tại Atlanta (Mỹ) năm 1996 là tránh được kịch bản trên.
Các chuyên gia giải thích rằng phần lớn lợi ích kinh tế của Olympic là từ tăng trưởng việc làm thông qua xây dựng, mà việc này lại diễn ra từ trước khai mạc. Trong khi đó, các bất lợi, như việc năng suất lao động giảm do mọi người chỉ tập trung xem TV, và di chuyển khó khăn khi quá nhiều du khách đổ xô đến London, lại diễn ra trong và sau Olympic.
Người Anh được kỳ vọng sẽ vung tiền nhiều hơn khi giải đấu diễn ra, nhưng Capital Economics cho biết phần lớn số tiền đó lại được tiêu vào những việc khác. Vì doanh thu rạp phim hay hàng tiêu dùng đều giảm mạnh trong những sự kiện như thế này. Số lượng khách đến Anh cũng có thể giảm mạnh sau giải đấu. Hiệp hội du lịch Anh UKinbound nói rằng số khách đặt chuyến cho quý III đã giảm 50% so với bình thường.
Tháng 9/2000, số khách du lịch đến Sydney (Australia) đã tăng tới 16% khi Olympic được tổ chức, nhưng lại giảm liên tục suốt ba năm sau đó. Việc này cho thấy rất nhiều người muốn đến đây du lịch đã chọn đúng thời điểm giải đấu diễn ra.
Theo Văn phòng thống kê quốc gia Anh, Olympic đã tạo ra thêm 61.000 việc làm tại London trong tháng 3, 4 và 5. Tuy nhiên, ông Tombs cho rằng việc này chỉ là tạm thời. “Tăng trưởng này sẽ dần dần suy giảm. Nếu nhìn vào khảo sát về số việc làm mà khu vực tư nhân đăng tuyển, bạn sẽ thấy tìm được một công việc hiện nay là rất khó”. Ông Saunders cũng đồng ý với nhận định trên: “Olympic để giải trí thì rất tốt, nhưng dùng như một chính sách kinh tế là điều không thể”.
Hà Thu (theo The Guardian)