Trả lời:
Tùy từng loại quả mà chúng ta nên gọt bỏ vỏ hoặc ăn cả vỏ. Ví dụ, chuối, mít, dưa hấu, bưởi, cam, quýt... phải gọt vỏ ngoài; một số loại khác như ổi, táo, lê hoàn toàn có thể ăn được cả vỏ. Thực tế hiện nay mọi người lo sợ các loại quả tồn dư hóa chất hoặc bảo quản khi vận chuyển nên thường bỏ vỏ trước khi ăn. Tuy nhiên, nếu quả nhiễm hóa chất trong quá trình chăm sóc thì nó đã ngấm sâu bên trong, gọt bỏ vỏ cũng ít có tác dụng phòng ngừa.
Vỏ một số loại hoa quả chứa nhiều dưỡng chất, như vỏ ổi có chất chống oxy hóa, chất kháng khuẩn, chống viêm và tannin. Vỏ dưa chuột màu xanh đậm, giàu chất chống oxy hóa, chất xơ không hòa tan, kali, vitamin K, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, có thể giải nhiệt, giải độc cho cơ thể. Vỏ khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng như sắt, canxi, kali, magiê, vitamin B6 và vitamin C...
Để loại bỏ chất bảo quản trên bề mặt hoa quả nếu có, bạn nên rửa sạch trái cây dưới vòi nước. Bạn gọt vỏ, bổ thành miếng dùng dần có thể làm giảm chất dinh dưỡng, đặc biệt là với hoa quả giàu vitamin C.
Nhìn chung, trái cây cung cấp nhiều vitamin và muối khoáng cho cơ thể. Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, một người trưởng thành cần ăn ít nhất 100-200 g quả chín mỗi ngày. Không nên ăn vào một thời điểm mà chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, giúp cơ thể nhận đủ và đều lượng vitamin cũng như khoáng chất. Ngoài ra, quả chín cung cấp chất xơ tốt cho tiêu hóa, giúp các cơ quan của cơ thể hoạt động trơn tru.
Tiến sĩ, bác sĩ Từ Ngữ
Hội Dinh dưỡng Việt Nam