Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Mộc Lan cho biết bữa ăn tối trong ngày là bữa ăn chính và quan trọng. Quan niệm "bữa ăn sáng là bữa dành cho chính bạn, bữa ăn trưa dành cho bạn bè và bữa ăn tối hãy dành cho kẻ thù" đúng nhưng nên cân đối để phù hợp với lối sống hiện đại.
Theo chuyên gia, sau một ngày dài hoạt động, cơ thể bạn cần được bổ sung năng lượng nhằm khôi phục và tái tạo hoạt động cho các tế bào. Việc nhịn ăn tối có thể làm hạ đường huyết và gây nên sự mệt mỏi cho cơ thể, khiến bạn ăn nhiều hơn vào buổi sáng. Thói quen "no dồn đói góp" cũng là nguyên nhân khiến bạn gặp phải các vấn đề về hệ tiêu hóa và cân nặng.
Buổi tối không nên ăn quá nhiều, khiến cho dạ dày và ruột phải họat động nhiều, có thể gây khó ngủ, kéo dài không tốt cho tiêu hoá và hệ thần kinh. Đối với những người trung niên, ăn quá nhiều vào bữa ăn tối sẽ liên tục kích thích sự tiết insulin dẫn đến bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, bữa tối nên hạn chế ăn thịt để dạ dày được nghỉ ngơi và hạn chế tăng cân, béo phì. Ngoài ra, ăn quá nhiều thịt vào bữa tối sẽ làm tăng hàm lượng cholesterol trong cơ thể. Khi cholesterol quá nhiều sẽ tích tụ trên thành mạch máu, tình trạng này kéo dài có thể gây ra xơ vữa động mạch và các bệnh về tim mạch. Sau bữa ăn tối, bạn nên hạn chế ăn đồ ngọt. Các món ăn tráng miệng đều có một lượng đường nhất định dù nhiều hay ít dẫn đến thừa cân, béo phì.
Bạn không nên ăn bữa tối quá muộn khiến các bộ phận chuyển hóa như gan sẽ trở nên lẫn lộn. Điều này gây ra các vấn đề liên quan đến insulin và đường huyết, khiến cơ thể tăng tích trữ chất béo, rối loạn tiêu hóa. Do đó, bạn không ăn ít nhất 2 tiếng trước giờ đi ngủ. Trong trường hợp bất khả kháng không thể ăn sớm, bạn có thể ăn nhẹ chứ đừng ăn no.
Thùy An