Ăn chay không chỉ là xu hướng trên thế giới mà thực sự có ích đối với sức khỏe. Trên Journal of Nutrition số ra tháng 4/2019, các nhà khoa học từ Đại học Loma Lina (Mỹ) kết luận ăn thuần chay là chế độ dinh dưỡng tối ưu cho con người.
Để đưa ra kết luận trên, nhóm tác giả đã phân tích số liệu từ năm nhóm người với 5 chế độ ăn khác nhau: ăn thuần chay; ăn trứng, sữa nhưng không ăn thịt cá; ăn cá nhưng không ăn thịt; nửa chay (ăn thịt ít hơn một lần mỗi tuần) và không ăn chay (ăn thịt nhiều hơn một lần mỗi tuần).
Kết quả, người ăn thuần chay có lượng axit béo omega 3 (từ quả óc chó, hạt chia, các loại cá béo) và chất chống oxy hóa cao nhất trong khi mức axit béo bão hòa thấp nhất. Các nhóm ăn chay khác cũng có nhiều chất chống oxy hóa hơn so với những người thường xuyên ăn thịt, tuy nhiên khác biệt khá nhỏ.
Thực tế, chất chống oxy hóa trong nhiều loại trái cây, rau quả giúp giảm nguy cơ ung thư và viêm nhiễm. Chất béo không bão hòa trong dầu ô liu, quả bơ có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, còn chất béo bão hòa trong bơ, thịt xông khói tác động ngược lại.
Sau khi công bố, công trình của Đại học Loma Lina vấp phải một số ý kiến trái chiều. Chuyên gia dinh dưỡng Ginger Hultin, phát ngôn viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ khẳng định ăn chay có lợi cho sức khỏe và hỗ trợ ngăn chặn, điều trị vài loại bệnh. Thế nhưng, mỗi người cần chọn chế độ ăn chay hợp lý, không chạy theo bắt chước những cá nhân khác.
Một số nhà khoa học cho rằng chưa thể chắc chắn ăn thuần chay đảm bảo sức khỏe tốt. Ăn thuần chay mà thiếu hụt thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vẫn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Trước đây đã có nghiên cứu cho thấy chế độ ăn thuần chay dẫn đến thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định như vitamin B12, vitamin D, canxi, kẽm, choline và sắt.
Phương Dung (Theo Yahoo)