Bác sĩ Bùi Huy Cận, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3, nói rằng mùa xuân thời điểm khởi đầu của bốn mùa trong tự nhiên. Trời đất đều ở giai đoạn phát sinh, vạn vật bừng tỉnh thay cũ đổi mới, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi... Trong giai đoạn này, dương khí trong thân thể cũng bừng tỉnh, thăng phát, giao hòa cùng muôn vật.
"Hoạt động sống của con người tuân theo quy luật khách quan của giới tự nhiên 'xuân dạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm'. Nắm vững được quy luật đó, chủ động thực hiện các biện pháp dưỡng sinh phù hợp thì sẽ tránh được bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ", bác sĩ Cận chia sẻ.
Dưỡng sinh trong sinh hoạt - nghỉ ngơi
Mùa xuân, khí ấm được sinh ra, khí lạnh dần tan đi. Buổi sáng nên dậy sớm, đi dạo ở quanh sân, tập thể dục, nới rộng quần áo, xõa tóc thả lỏng hít thở khí trời. Nguyên nhân là do sau mùa đông, bước vào mùa xuân, cơ thể có sự tăng lên về chuyển hóa cơ bản, cần có nhiều huyết dịch và oxy cho cơ thể.
Dưỡng sinh trong vận động - tập luyện
Các phương pháp tập luyện dưỡng sinh theo y học cổ truyền rất phong phú, ví dụ thái cực quyền, dịch cân kinh, khí công, võ thuật hay đơn giản chỉ là tản bộ...
Có bài tập lấy động làm chính, vận động toàn thân nhằm giúp cơ xương khớp được linh hoạt, khí huyết lưu thông, điều hòa chức năng tạng phủ, từ đó cơ thể được khỏe mạnh.
Có loại lấy tĩnh làm chính, chủ động luyện "ý - khí - hình", nhấn mạnh rèn luyện tinh thần, từ đó phát huy tác dụng chống lão hóa. Bên cạnh đó, các bài dưỡng sinh nhẹ nhàng sau khi thức giấc cũng làm cho tinh thần sảng khoái.
Mùa xuân dương khí mới sinh, khí lạnh và gió còn nhiều, hai thứ khí này kết hợp dễ gây cảm mạo phong hàn. Do vậy người dân tập dưỡng sinh nên giữ ấm cơ thể.
Dưỡng sinh trong ẩm thực
Theo y học cổ truyền, thức ăn được chia làm năm vị quy vào năm tạng: Vị chua vào can, vị cay vào phế, vị ngọt vào tỳ, vị đắng vào tâm, vị mặn vào thận. Mùa xuân, nên tránh đồ ăn có vị chua (chua vào tạng can, làm cho công năng vận hóa đồ ăn của tỳ sẽ giảm sút). Có thể tăng vị cay ngọt hơi ôn, cay phát tán giúp dương khí thăng phát, ôn để bảo vệ dương, ngọt bổ vào tỳ do đó làm cho ngũ tạng cân bằng, âm dương điều hòa.
Tránh ăn thức ăn sống lạnh dễ tổn thương dương khí tỳ vị. Tất nhiên cũng phải ăn uống đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh và đúng giờ. Người xưa quan niệm: "Thức ăn dù ngon cũng không nên quá nghiện, nghiện sẽ gây thương tổn mà thành bệnh. Vị (hương vị) dù ghét cũng không thể không ăn, không ăn thì khí tạng sẽ thiếu".
Dưỡng sinh trong tình chí (tinh thần, cảm xúc)
Giữ tâm chí thoải mái và duy trì thái độ lạc quan yêu đời. Lối sống vui vẻ điềm đạm thoải mái, thỏa chí giữ lòng mình trong hư vô, lâu bền với trời đất. Đó là phép giữ gìn thân thể của người thông minh.
Giữ tinh thần yên tĩnh thư thái ở đây tức là không màng đến danh lợi, bỏ qua những ham muốn vật chất, xem nhẹ thanh, sắc. Nếu có thể chỉ cần đáp ứng nhu cầu ăn, ở, mặc để làm việc.
Dưỡng sinh trong phòng bệnh
Cần đề phòng vi khuẩn, virus gây ra các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi... Theo y học cổ truyền, mùa xuân hay xuất hiện các chứng bệnh "phong ôn", "ôn dịch"...
Với y học cổ truyền hay y học hiện đại, phòng bệnh là điều quan trọng nhất để cơ thể luôn trong trạng thái khỏe mạnh. Điều chỉnh lối sống phù hợp với từng điều kiện sống trong năm từ xưa đến nay vẫn luôn là lời khuyên để phòng ngừa bệnh tật hiệu quả. Với lối sống dưỡng sinh phù hợp, cơ thể khoan khoái và đủ sức chống lại các bệnh tật dễ phát sinh trong mỗi mùa của năm.
Lê Cầm