Tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sán lá gan lớn, ban hành hôm 17/5, Bộ Y tế cho biết biểu hiện của bệnh sán lá gan lớn không điển hình, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Ở giai đoạn cấp tính, ký sinh trùng xâm nhập vào nhu mô gan, khiến người nhiễm bị sốt, đau hạ sườn phải, đau bụng. Giai đoạn mạn tính, ký sinh trùng xâm nhập vào đường mật, gây khó chịu vùng dạ dày, đau hạ sườn phải, viêm mật, đường mật, túi mật... Vì vậy, bác sĩ cần dựa vào các yếu tố như đau tức vùng gan, âm ạch khó tiêu, đau thượng vị, có hay không kèm theo nhiễm trùng, nhiễm độc, sốt kéo dài hoặc kém ăn, sụt cân, rối loạn tiêu hóa...
Khi bị bệnh nhẹ, người bệnh chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu. Ở thể trung bình, 70-80% người bệnh bị đau bụng, đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau. Người bệnh có thể bị đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, đau từng cơn, sốt cao, rét run, thiếu máu. Ở thể nặng, bệnh nhân có thể bị tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, có trường hợp bị vỡ gan.
Theo hướng dẫn này, thói quen và tập quán ăn uống là một phần nguyên nhân gây nhiễm bệnh. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn sống các rau mọc dưới nước, không uống nước lã. Người nghi mắc sán lá gan lớn phải đến bệnh viện khám, điều trị sớm. Các hộ chăn nuôi cần định kỳ tẩy giun, sán cho trâu, bò nhằm tiêu diệt ký sinh trùng. Đồng thời cơ quan chức năng vào cuộc để chủ động phát hiện vùng đang lưu hành bệnh và dập dịch nếu có.
Việt Nam từng phát hiện nhiều trường hợp mắc sán lá gan lớn, trong đó có bệnh nhân nhiễm bệnh nặng, sau đó bị vỡ gan vào năm 2014. Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh, Nghệ An cuối năm 2021 cũng ghi nhận một người đàn ông sụt tới 6 kg/tháng, bị thủng đại tràng, tổn thương gan do sán lá gan lớn. Theo cơ sở y tế này, bệnh sán lá gan lớn chủ yếu lây qua đường tiêu hóa do người bệnh ăn phải đồ ăn hoặc các loại thức uống có chứa ấu trùng sán. Bệnh cũng lây truyền từ người bệnh sang người lành theo đường tiêu hóa.
Chi Lê