Trả lời:
Mì tôm được làm từ tinh bột và thông qua quá trình chiên sấy để trở thành thực phẩm. Nếu như sử dụng quá nhiều, cơ thể sẽ thiếu chất xơ, các khoáng chất và vitamin. Người dùng chỉ nên sử dụng khoảng một đến hai gói mỗi tuần, với những người hệ tiêu hóa kém thì không nên ăn. Bạn có thể chế biến mì cùng với một số thực phẩm khác như rau củ, hải sản, thịt, cá, trứng... để bữa ăn giàu dinh dưỡng và ngon miệng hơn.
Hiện nay, chưa có một tài liệu nào nói ăn nhiều mì tôm dẫn tới ung thư dạ dày. Nhưng chế độ ăn nhiều dầu mỡ, ăn quá mặn và cay nóng... sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố gây ra bệnh ung thư dạ dày gồm thói quen ăn nhiều muối, ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì, người bệnh bị nhiễm virus HP kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác.
Ngoài việc ăn uống đủ chất, bạn cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập luyện đều đặn mỗi ngày, tinh thần lạc quan mới chính là cách bảo vệ sức khỏe, tránh xa các nguy cơ bệnh tật và đặc biệt là ung thư.
Bác sĩ Võ Duy Long
Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM