Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết khi được cung cấp lượng muối hợp lý, cơ thể có thể đảm bảo thăng bằng kiềm toan, cân bằng nước trong và ngoài tế bào... Ăn đủ lượng muối còn đảm bảo chức năng duy trì áp lực thẩm thấu, dẫn truyền xung động thần kinh, ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm.
"Phần lớn mọi người chỉ quan tâm đến việc ăn nhiều muối có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, huyết áp và thận. Nhưng, chế độ ăn thiếu muối khiến cơ thể gặp nguy hiểm", bác sĩ Hải nói. Nguyên nhân là trong mồ hôi, nước mắt, nước tiểu của con người đều có muối. Ăn nhạt khiến cơ thể bị thiếu điện giải, rối loạn chuyển hóa, giảm thể tích máu...
Thiếu muối dẫn đến lượng natri máu trong cơ thể bị hạ quá mức bình thường, làm cho nhu mô não bị phù dẫn đến đau đầu, chóng mặt, rối loạn ý thức, mất tập trung, buồn nôn... Lượng natri trong máu giảm nhanh và đột ngột có thể xuất hiện các triệu chứng nặng như hôn mê, co giật, phù tay, phù chân hoặc nguy hiểm hơn là phù toàn thân.
Ngoài ra, khi natri máu giảm, áp lực thẩm thấu trong lòng mạch máu bị giảm khiến huyết áp giảm, khiến cơ thể mệt mỏi, suy kiệt do các cơ quan quan trọng như não, gan, thận... thiếu oxy và các chất dinh dưỡng, suy giảm chức năng hệ cơ. Biểu hiện là mỏi cơ, chuột rút, kiến bò, liệt cơ...
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, người trưởng thành ăn khoảng 5g muối một ngày. Nên bổ sung muối sau khi tập thể dục hoặc thời tiết nắng nóng để đủ sức khỏe sinh hoạt và làm việc.
Trẻ nhỏ dưới một tuổi chỉ tối đa dưới 1g muối một ngày. Tuy nhiên không cần bổ sung muối vào thức ăn hàng ngày của trẻ, vì trong các thực phẩm tự nhiên mà bé ăn dặm như thịt, trứng, sữa... đều đã có thành phần natri phù hợp với khuyến cáo của các chuyên gia. Lượng muối cho trẻ nhỏ từ một đến ba tuổi tiêu thụ tối đa 3g muối một ngày. Trẻ từ 7 tuổi trở lên có thể dùng tối đa 5g muối.
Với người bệnh mắc các bệnh như tim mạch, thận, tăng huyết áp... lượng muối có thể điều chỉnh giảm theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.
Thùy An