Bệnh gút là do nồng độ axit uric trong máu quá cao. Một người có nguy cơ bị bệnh gút khi uống quá nhiều rượu hay ăn quá nhiều cá và thịt. Một số loại thuốc cũng có thể gây ra bệnh này.
Đối với bệnh gút, có chế độ ăn hợp lý là rất quan trọng để giảm lượng axit uric, làm chậm tiến triển bệnh và hạn chế các cơn đau. Dưới đây là các thực phẩm nên ăn để phòng tránh và kiểm soát bệnh gút:
Các thực phẩm từ sữa ít béo
Các thực phẩm từ sữa ít béo giúp tăng cường thải axit uric qua nước tiểu. Người ăn sữa chua và sữa ít béo hàng ngày có lượng axit uric trong máu ít hơn những người khác.
Protein
Những người bị gút cần đặc biệt lưu ý đến việc hấp thụ protein, nhất là protein từ động vật. Thịt lợn và thịt bò cần phải hạn chế bởi chúng làm tăng lượng axit uric. Thay vào đó, hãy ăn trứng, ít nhất 4 quả mỗi tuần. Đậu gà và đậu phụ cũng là những nguồn protein dồi dào mà không làm tăng axit uric.
Rau củ và hoa quả
Rau củ giàu chất xơ dinh dưỡng như súp lơ xanh và rau chân vịt được khuyến khích dùng cho những người mắc bệnh gút vì chúng hạn chế lượng axit uric trong máu. Thêm vào đó, bổ sung hoa quả, đặc biệt là các loại quả chứa nhiều vitamin C, sẽ giúp bệnh nhân gút cảm thấy khỏe mạnh hơn.
Sơ ri
Sơ ri được cho là có tác dụng chống lại bệnh gút. Một nghiên cứu năm 2010 chỉ ra rằng người bệnh uống một thìa nước sơ ri cô đặc ít nhất 2 lần một ngày trong 4 tháng sẽ giảm 50% các cơn đau do gút so với những người không uống. Sơ ri giúp làm giảm nồng độ axit uric và kháng viêm.
Nước
Uống nhiều nước giúp kiểm soát bệnh gút. 5-8 ly nước mỗi ngày có thể làm giảm 40% các cơn đau do gút so với việc chỉ uống một ly. Tuy nhiên, lượng nước nên uống là khác nhau ở từng người bởi việc sử dụng thuốc và các hoạt động thể chất. Tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra lượng hấp thụ nước thích hợp.
Cà phê
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút ở cả phụ nữ lẫn đàn ông. Một nghiên cứu được thực hiện trên 45.869 đàn ông hơn 40 tuổi không có tiền sử bị gút, cho thấy người uống 4 tách cà phê mỗi ngày giảm 40% nguy cơ mắc bệnh so với người không uống. Nghiên cứu khác được tiến hành trên 14.000 đàn ông và phụ nữ từ 20 tuổi trở lên, đưa ra kết luận uống cà phê thường xuyên sẽ làm giảm lượng axit uric trong máu. Tuy nhiên lưu ý không nên hấp thụ quá 400 mg caffeine một ngày.
Minh Trang (Theo 1mhealthtip.com và arthritis.org)