Thiếu máu do thiếu men glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD). Đây là một enzyme giúp các tế bào hồng cầu hoạt động bình thường, tạo ra năng lượng bằng cách chuyển hóa carbohydrate, bảo vệ các tế bào hồng cầu khỏi gốc oxy hóa khi bị nhiễm trùng hoặc do thuốc.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết thiếu G6PD là một bệnh lý di truyền do gene lặn nằm trên nhiễm sắc thể X. Thế giới có 400 triệu người mắc bệnh này, trong đó nam nhiều hơn nữ.
Bệnh nhân thiếu G6PD thường có 2 vấn đề chính là thiếu máu tán huyết và vàng da sơ sinh kéo dài. Đặc biệt trẻ sau sinh bị vàng da do thiếu men G6PD sẽ gây ra nhiều tổn thương nặng như bại não, chậm phát triển tinh thần và vận động.
Người thiếu máu thường có biểu hiện khó thở hoặc chóng mặt, mệt mỏi, da nhợt nhạt, đau tức ngực, đau đầu... Đa số người bệnh do không tiêu thụ đủ chất sắt hoặc vitamin B12, cùng với folate, những chất đều cần thiết cho việc sản xuất các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Vì vậy, chế độ ăn uống cho người thiếu máu nên tập trung vào các chất dinh dưỡng cần thiết để ngăn chặn gốc tự do gây tổn hại cho tế bào hồng cầu.
"Chọn thực phẩm chứa giàu chất chống oxy hóa, đủ chất béo và hạn chế carbohydrate tinh chế có thể giúp giảm thiểu rủi ro cho bệnh này", bác sĩ cho biết.
Những thực phẩm chống oxy hóa như cà chua, quả lựu, táo, cam, nho, chà là, rau bina, hạt hướng dương, quả óc chó, quả mơ... Trong đó, lựu giàu sắt, canxi, chất xơ và khoáng chất thiết yếu như magiê và đồng. Ăn lựu hoặc uống một ly nước ép lựu thường xuyên giúp tăng mức hemoglobin, ngăn ngừa thiếu máu. Rau bina là loại rau xanh lá có thể giúp chống lại bệnh thiếu máu bởi giàu vitamin, sắt, chất xơ, canxi và beta-carotene. Cà chua có thành phần chính là vitamin C cùng với lycopene, giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, ngăn ngừa nguy cơ bị thiếu máu.
Ngoài thực phẩm chống oxy hóa, người bệnh thiếu máu nên tăng cường sử dụng ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, kê, lúa mạch, các loại đậu. Các loại ngũ cốc nguyên hạt không chỉ nhiều chất xơ mà còn chứa lượng sắt và axit folic, cung cấp carbohydrate phức tốt giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, hạn chế nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường
"Vitamin B nên được bổ sung từ chế độ ăn uống là tốt nhất", bác sĩ nói. "Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin B và axit folic nên được khuyến khích". Các vitamin nhóm B như vitamin B5, B8 và B12 đóng vai trò quan trọng đối với quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể cũng như việc thực hiện các chức năng bình thường của các tế bào. Vitamin B có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, súp lơ, nấm, đặc biệt trong hải sản và sản phẩm từ sữa. Hải sản có nhiều chất sắt, đặc biệt hiệu quả cho người bệnh thiếu máu.
Thực phẩm cần tránh cho người thiếu máu
Theo bác sĩ Hưng, người thiếu máu nên hạn chế ăn sản phẩm từ đậu nành, đậu Fava (đậu tằm). Hạn chế ăn quả việt quất, tránh uống nước tăng lực do chứa quinine, một loại chống chỉ định trong G6PD.
Tránh các sản phẩm chứa bạc hà như kẹo cao su, kem đánh răng, nước súc miệng... Không nên tự ý bổ sung vitamin K vì gây ra phản ứng bất lợi như thiếu máu tán huyết, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Hưng cũng lưu ý người thiếu máu không nên tự ý bổ sung sắt mà không có xét nghiệm hoặc khuyến nghị của bác sĩ.
Thúy Quỳnh