Việc cân nhắc nối lại xuất khẩu vaccine diễn ra trước thềm chuyến thăm Washington của Thủ tướng Narendra Modi vào tuần tới, trong đó vaccine có thể được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề.
"Quyết định xuất khẩu đã được thảo luận xong", nguồn tin giấu tên cho hay. "Ấn Độ muốn giúp châu Phi bằng cả vaccine và mô hình ứng phó Covid-19 của họ".
Bộ Ngoại giao Ấn Độ hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận về thông tin này.
Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, ngừng xuất khẩu vào tháng 4 để tập trung cho chiến dịch tiêm chủng trong nước khi nước này đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng. Chính phủ muốn tiêm chủng cho tất cả 944 triệu dân số trưởng thành trước tháng 12 và 61% số đó đã tiêm ít nhất một liều.
Ngày 13/9, quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Ấn Độ có buổi họp với người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một ngày sau, WHO cho biết họ đang trao đổi liên tục với giới chức Ấn Độ để nối lại nguồn cung vaccine cho Covax.
"Chúng tôi được đảm bảo rằng nguồn cung sẽ được nối lại trong năm nay", Bruce Aylward, quan chức WHO, nói. "Chúng tôi hy vọng được đảm bảo sớm hơn vào những tuần tới".
Trước khi ngừng xuất khẩu, Ấn Độ đã tặng và bán 66 triệu liều vaccine cho gần 100 quốc gia.
Tốc độ tiêm chủng của Ấn Độ tăng vọt vào tháng trước, khi nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Viện Huyết thanh Ấn Độ, tăng gấp đôi sản lượng lên 150 triệu liều mỗi tháng.
Liên minh châu Phi hôm 14/9 cáo buộc các nhà sản xuất không trao cho họ cơ hội mua vaccine công bằng, đồng thời kêu gọi các nước sản xuất, đặc biệt là Ấn Độ, dỡ hạn chế xuất khẩu. Trong 5,7 tỷ liều vaccine được tiêm chủng toàn cầu, chưa tới 2% thuộc về châu Phi.
Thanh Tâm (Theo Reuters)