![Dữ liệu radar Ấn Độ cho thấy Pakistan triển khai tiêm kích F-16 và JF-17 hôm 27/2. Ảnh: ANI.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/04/09/radar-2-7878-1554769029.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-YaYr_GEn-B5P0lPvXilug)
Dữ liệu radar Ấn Độ cho thấy Pakistan triển khai tiêm kích F-16 và JF-17 hôm 27/2. Ảnh: ANI.
"Không có nghi ngờ gì về việc hai tiêm kích bị bắn rơi trong trận không chiến ngày 27/2. Chúng tôi có bằng chứng không thể chối cãi cho thấy Pakistan triển khai chiến đấu cơ F-16 trong trận đánh và một chiếc bị tiêm kích Ấn Độ bắn hạ", trung tướng không quân Ấn Độ R.G.K Kapoor hôm qua tuyên bố trong cuộc họp báo công bố dữ liệu radar về trận đánh.
Hình ảnh được trích từ hệ thống quản lý tác chiến trên máy bay cảnh báo sớm (AWACS) Ấn Độ, cho thấy bức tranh toàn cảnh về trận không chiến dữ dội trên bầu trời Kashmir. Tướng Kapoor khẳng định nó chứng minh việc một tiêm kích F-16 Pakistan bị trúng đạn và lao xuống đất.
Quan chức Ấn Độ nói New Delhi đang nắm "nhiều bằng chứng và thông tin xác đáng hơn", nhưng không thể công bố để bảo đảm bí mật.
![Khu vực xảy ra không chiến (vòng tròn) trên bầu trời Kashmir hôm 27/2. Ảnh: ANI.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/04/09/radar-3-9897-1554769029.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QHYfPmsv7RNGrMtxV7xh6A)
Khu vực xảy ra không chiến (vòng tròn) trên bầu trời Kashmir hôm 27/2. Ảnh: ANI.
Tạp chí Foreign Policy của Mỹ trước đó dẫn lời hai quan chức quốc phòng giấu tên tiết lộ Pakistan đã mời quan chức Mỹ đến kiểm tra tình trạng phi đội F-16 theo điều khoản hợp đồng mua bán giữa hai bên. Kết quả thống kê cho thấy toàn bộ phi đội F-16 Pakistan vẫn nguyên vẹn, không có chiếc nào bị hư hại hoặc biến mất, trái ngược với thông tin MiG-21 Ấn Độ bắn rơi phi cơ Pakistan do New Delhi đưa ra.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc khẳng định "không biết có cuộc điều tra hay thống kê nào như vậy. Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận hay bác bỏ thông tin về phi đội F-16 Pakistan, chỉ khẳng định Washington đã ngừng hỗ trợ an ninh cho Islamabad từ tháng 1/2018.
Xung đột vũ trang giữa New Delhi và Islamabad bùng lên sau khi không quân Ấn Độ sáng 26/2 tấn công địa điểm được cho là trại huấn luyện khủng bố Jaish-e-Mohammed trên đất Pakistan. Jaish-e-Mohammed là nhóm Hồi giáo chịu trách nhiệm cho vụ đánh bom tự sát hôm 14/2 ở thành phố Srinagar khiến 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Pakistan sau đó đáp trả bằng cách điều chiến đấu cơ xâm nhập vùng trời Ấn Độ, dẫn tới cuộc không chiến lớn vào ngày 27/2 trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir với sự tham gia của 8 tiêm kích Ấn Độ và 24 chiến đấu cơ Pakistan. Đây được coi là trận đánh lớn nhất giữa không quân hai nước kể từ năm 1971.
![Tiêm kích MiG-21 Bison Ấn Độ diễn tập hồi năm 2017. Ảnh: IAF.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/04/09/MiG-21-india-8455-1554769029.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7CIXuQ3Q5kQZP6jG-Z45Vw)
Tiêm kích MiG-21 Bison Ấn Độ diễn tập hồi năm 2017. Ảnh: IAF.
Truyền thông Ấn Độ cho biết trung tá phi công Abhinandan Varthaman đã điều khiển tiêm kích MiG-21 Bison bám đuổi chiến đấu cơ F-16 Pakistan và phóng tên lửa tầm ngắn R-73 hạ mục tiêu, nhưng bị trúng một quả tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM ngay sau đó.
Varthaman phải nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Tình hình hạ nhiệt sau khi Pakistan trao trả phi công hôm 1/3, nhưng căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao.
Vũ Anh (Theo AFP)