
Một phi đội F-16 Pakistan diễn tập tại Mỹ năm 2010. Ảnh: USAF.
"Chúng tôi không biết có cuộc điều tra hay thống kê nào như vậy", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua cho biết, đề cập tới thông tin Lầu Năm Góc cử nhân viên sang Pakistan thống kê số tiêm kích trong biên chế không quân nước này, nhằm làm sáng tỏ tuyên bố được Ấn Độ đưa ra hồi đầu tháng 3 rằng họ đã dùng MiG-21 bắn hạ một chiếc F-16 Pakistan.
Tạp chí Foreign Policy của Mỹ trước đó dẫn lời hai quan chức quốc phòng giấu tên tiết lộ Pakistan đã mời quan chức Mỹ đến kiểm tra tình trạng phi đội F-16 theo điều khoản hợp đồng mua bán giữa hai bên. Kết quả thống kê cho thấy toàn bộ phi đội F-16 Pakistan vẫn nguyên vẹn, không có chiếc nào bị hư hại hoặc biến mất, trái ngược với thông tin MiG-21 Ấn Độ bắn rơi phi cơ Pakistan do New Delhi đưa ra.
Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận hay bác bỏ thông tin về phi đội F-16 Pakistan. "Chúng tôi không được phép bình luận công khai về các thỏa thuận liên chính phủ với điều khoản giám sát khí tài do Mỹ sản xuất. Điều quan trọng là chính phủ Mỹ đã ngừng hỗ trợ an ninh cho Pakistan từ tháng 1/2018", Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó ra thông cáo cho hay.
Không quân Pakistan hồi cuối tháng 3 hoàn tất việc thu hồi và khám nghiệm xác tiêm kích MiG-21 bị bắn rơi và tìm thấy 4 tên lửa đối không các loại giữa đống đổ nát. Islamabad cho rằng đây là bằng chứng bác tuyên bố "bắn rơi F-16" của New Delhi, bởi tiêm kích MiG-21 Bison trong biên chế không quân Ấn Độ chỉ mang được tối đa 4 tên lửa trong một lần xuất kích.

Ảnh chụp số tên lửa Pakistan thu được từ xác MiG-21 Ấn Độ bị bắn rơi. Ảnh: Twitter.
Trận không chiến diễn ra trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir hôm 26/2 với sự tham gia của 8 tiêm kích Ấn Độ và 24 chiến đấu cơ Pakistan. Đây được coi là trận đánh lớn nhất giữa không quân hai nước kể từ năm 1971.
Truyền thông Ấn Độ cho biết trung tá phi công Abhinandan Varthaman đã điều khiển tiêm kích MiG-21 Bison bám đuổi chiến đấu cơ F-16 Pakistan và phóng tên lửa tầm ngắn R-73 hạ mục tiêu, nhưng bị trúng một quả tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM ngay sau đó.
Sau khi tiêm kích trúng tên lửa, Varthaman nhảy dù xuống khu vực do Pakistan kiểm soát, bị bắt làm tù binh và được trao trả vào tối 1/3 dưới sự chứng kiến của quan chức quốc phòng hai nước.
Vũ Anh (Theo Hindustan Times)