Sputnik V là vaccine Covid-19 thứ ba được nước này chấp thuận, sau vaccine Oxford-AstraZeneca của Anh và Covaxin, do Bharat Biotech của Ấn Độ phát triển. Theo Bộ Y tế, Hội đồng chuyên gia (SEC) đề nghị cấp phép sử dụng hạn chế vaccine trong trường hợp khẩn cấp.
Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp (Nga) Kirill Dmitriev cho biết việc Ấn Độ phê duyệt Sputnik V là "cột mốc quan trọng", sau khi hai nước đã hợp tác thử nghiệm vaccine. Theo ông Dmitriev, Nga có thể phân phối những liều vaccine đầu tiên vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5, tăng cường sản xuất trong tháng 6. Các chuyên gia hoan nghênh động thái của Ấn Độ, song cho rằng khó có thể sử dụng vaccine trong tương lai gần.
"Đây là tin tốt, nó sẽ thúc đẩy nguồn cung vaccine, nhưng không tác động nhiều đến tình hình các ca nhiễm nCoV tăng báo động như hiện nay", chuyên gia virus Shahid Jameel, Trường Khoa học Sinh học Trivedi tại Đại học Ashoka, nhận định.
GV Prasad, đồng chủ tịch hãng dược Dr Reddy's Laboratories, cho biết công ty của ông "rất vui khi vaccine được cấp phép sử dụng". Ông nói thêm: "Với số ca nhiễm đang gia tăng, tiêm chủng là công cụ hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống Covid-19".
Ấn Độ với 1,3 tỷ dân đang đối mặt với đợt bùng phát lớn. Chính phủ ban hành lệnh giới nghiêm, hạn chế đi lại và hạn chế tổ chức sự kiện tập thể. Hôm 12/4, nước này ghi nhận hơn 161.000 ca mắc mới. Tại Mumbai, chính quyền lập thêm ba bệnh viện dã chiến, mỗi cơ sở có 2.000 giường. Ở New Delhi, 14 bệnh viện lớn được chuyển đổi thành điểm chuyên điều trị Covid-19. Khoảng hai phần ba số bệnh nhân tại đây dưới 45 tuổi.
Ấn Độ bắt đầu chương trình tiêm chủng vào giữa tháng 1, đến nay đã tiêm hơn 108 triệu liều vaccine. Chính phủ đặt mục tiêu đầy tham vọng là tiêm đủ 300 triệu người vào cuối tháng 7, song chiến dịch bị chậm lại do khan hiếm nguồn cung. Nước này phải hạn chế xuất khẩu để đảm bảo lượng vaccine nội địa.
Sputnik V là vaccine Covid-19 đầu tiên của Nga được phê duyệt trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người. Đến nay vaccine đã trải qua các bước thử nghiệm, được phê duyệt ở 61 nước, trong đó có Việt Nam, Belarus, Argentina, Bolivia, Hungary, Slovakia...
Thục Linh (Theo AFP)