Kênh NDTV của Ấn Độ ngày 10/9 công bố ảnh vệ tinh chụp khu vực giữa nhánh núi số 4 và số 5 trên bờ nam hồ Pangong Tso, cho biết quân đội Trung Quốc "đang chiếm giữ và lập các tiền đồn mới" tại khu vực tranh chấp này từ tháng 7 đến tháng 9. Một số xe tải và lều bạt của Trung Quốc xuất hiện cách Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) phía nam hồ Pangong Tso chưa đầy một km.
Những ảnh vệ tinh này cho thấy quân đội Trung Quốc cũng củng cố các công trình có sẵn ở bờ bắc hồ Pangong Tso, trong khi các đơn vị mới tập trung quân kiểm soát các nhánh núi ven hồ.
NDTV cho biết quân đội Trung Quốc không rời khỏi khu vực nhánh núi số 4, bất chấp hai bên đồng ý rút một phần lực lượng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) sau nhiều vòng đàm phán trong vài tháng.
Ấn Độ và Trung Quốc chưa bình luận về thông tin này.
Hồ Pangong Tso, nơi đường LAC cắt qua, có chiều dài 134 km, nằm giữa vùng Ladakh của Ấn Độ và Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Hồ có các nhánh núi vươn ra được đánh số 1-8, trong đó Ấn Độ tuyên bố LAC đi qua gần nhánh núi số 8, trong khi Trung Quốc khẳng định đường này đi qua trước nhánh núi số 4.
Lính Ấn Độ thường tuần tra tới nhánh núi số 8, song hoạt động này phải dừng lại ở nhánh số 4 sau khi Trung Quốc tăng cường lực lượng trong khu vực từ hồi tháng 4. Lực quân Ấn Độ đang kiểm soát các rặng núi và đồi quanh Chushul, phía nam hồ Pangong Tso, với một số lợi thế chiến thuật.
Căng thẳng biên giới Ấn Độ và Trung Quốc leo thang từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 với đỉnh điểm là vụ ẩu đả ngày 15/6 khiến hàng chục binh sĩ hai bên thương vong.
Ấn Độ và Trung Quốc đều điều quân tăng viện lên biên giới, bất chấp trước đó đồng ý rút bớt lực lượng tiền tuyến. Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật ở Tây Tạng và Tân Cương những tháng qua, đồng thời công bố thông tin rộng rãi.
Chính phủ Ấn Độ ngày 31/8 cáo buộc Trung Quốc triển khai "các hoạt động quân sự khiêu khích" ba tháng sau khi "quân đội Trung Quốc sáp nhập 60 km2 lãnh thổ Ấn Độ ở Ladakh".
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận cáo buộc quân đội nước này vượt qua LAC, biên giới thực tế giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc tuyên bố lục quân Ấn Độ đang chiếm đóng lãnh thổ của họ.
Truyền thông ngày 3/9 đưa tin một đặc nhiệm gốc Tây Tạng thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Tiền phương (SSF) của Ấn Độ thiệt mạng và một người khác bị thương trong một vụ nổ mìn gần hồ Pangon Tso, làm dấy lên nghi ngờ New Delhi đã triển khai đặc nhiệm tới khu vực biên giới tranh chấp. Tuy nhiên, Ấn Độ chưa xác nhận thông tin này.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik)