Bloomberg ngày 1/2 dẫn tài liệu ngân sách chính phủ Ấn Độ cho thấy chi tiêu quốc phòng nước này sẽ tăng từ 3,43 nghìn tỷ rupee năm ngoái lên mức 3,47 nghìn tỷ rupee (47,4 tỷ USD) trong năm nay.
Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 2/2 đăng bài xã luận cho rằng đây là đà tăng ngân sách quốc phòng "rất khiêm tốn", trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ hứng chịu đợt suy thoái tồi tệ chưa từng có do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
"Khoản ngân sách quốc phòng tăng thêm dường như sẽ được dành đầu tư cho khí tài quân sự hiện đại từ nước ngoài sau những cuộc đụng độ ở biên giới với Trung Quốc", bài xã luận có đoạn.
Bài viết dẫn ý kiến từ các chuyên gia Trung Quốc cho rằng nỗ lực mua sắm vũ khí nước ngoài chỉ ảnh hưởng tới các cải cách kinh tế của Ấn Độ, khó giúp New Delhi giành lợi thế quân sự trong các xung đột biên giới với Bắc Kinh.
"Nền kinh tế Ấn Độ đang suy giảm đáng kể vì Covid-19 và nhiều vấn đề khác. Họ không thể bơm thêm tiền vào quân đội", chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nhận xét, chỉ ra rằng ngân sách quốc phòng Ấn Độ chỉ bằng một phần tư mức 178,6 tỷ USD của Trung Quốc trong năm ngoái.
"Đầu tư quân sự của Ấn Độ liên tục gia tăng trong những năm qua, đi kèm với tăng cường sức mạnh quốc gia. Mức tăng nhỏ trong năm nay đi kèm với áp lực kinh tế rất lớn. Tuy nhiên, thật ảo tưởng khi cho rằng năng lực quân sự có thể được cải thiện bằng cách mua vũ khí từ nước ngoài", Qian Feng, giám đốc cơ sở nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược Quốc gia ở đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, nêu qua điểm.
Qian cho rằng khả năng nghiên cứu phát triển quân sự của Ấn Độ khá thấp, buộc họ phải tìm mua khí tài hiện đại từ nước ngoài, gây khó khăn trong những cuộc đối đầu quy mô lớn và kéo dài.
New Delhi năm ngoái nhận 5 chiếc đầu tiên trong lô 36 tiêm kích Rafale đặt mua của tập đoàn Pháp Dassault với trị giá 8,7 tỷ USD. Số còn lại dự kiến được chuyển giao trước năm 2022. Không quân Ấn Độ đã triển khai số tiêm kích Rafale đầu tiên đến khu vực đồi núi thuộc bang Himachal Pradesh và vùng Ladakh giáp biên giới Trung Quốc, Pakistan.
Ấn Độ cũng tỏ ý muốn mua gấp 30 trinh sát cơ MQ-9B Mỹ, cùng 12 tiêm kích Su-30MKI, 21 MiG-29 và hàng trăm tên lửa do Nga sản xuất để lấp chỗ trống.
"Ấn Độ đã mua nhiều vũ khí từ Mỹ, Nga, Israel và Pháp, nhưng điều này chỉ tăng sức mạnh chiến đấu một cách rất giới hạn. Khả năng hậu cần và nguồn cung cho quân đội là chìa khóa trong chiến đấu. Năng lực tác chiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu khí tài bị hư hại và không có phương án thay thế", Tống Trung Bình nói, cảnh báo chi phí bảo dưỡng cho nhiều khí tài khác hệ sẽ rất lớn và New Delhi đang tiêu tiền vô nghĩa nhằm tăng sức mạnh trong ngắn hạn.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ khi hai nước rơi vào tình trạng bế tắc bất chấp nhiều tháng đàm phán để giải quyết căng thẳng biên giới. Lục quân Ấn Độ ngày 25/1 cho biết xảy ra "một vụ đụng độ nhỏ" ở bang Sikkim hồi tuần trước, song đã được các chỉ huy địa phương dàn xếp.
Tranh chấp biên giới Ấn - Trung diễn ra trong nhiều thập kỷ, trong đó lần đụng độ đẫm máu nhất là cuộc chiến năm 1962. Những vụ đụng độ lẻ tẻ sau đó nổ ra dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định giữa Ấn Độ và Trung Quốc chạy qua dãy Himalaya.
Tình hình tranh chấp biên giới Ấn - Trung lắng xuống sau căng thẳng ở cao nguyên Doklam năm 2017. Đụng độ giữa binh sĩ hai nước lại nổ ra vào đầu tháng 5/2020, lên tới đỉnh điểm sau một tháng rưỡi với vụ ẩu đả khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng tại thung lung Galwan. Phía Trung Quốc thừa nhận chịu thương vong trong vụ ẩu đả, song không công bố chi tiết.
Ấn Độ và Trung Quốc sau đó điều lượng lớn binh sĩ cùng khí tài lên tăng viện cho khu vực biên giới, đồng thời triển khai các chiến dịch hậu cần chưa từng có để chuyển nhu yếu phẩm và thực phẩm nhằm giúp binh sĩ sống trong mùa đông khắc nghiệt trên dãy Himalaya.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Ấn Độ đã nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng ở biên giới, bao gồm mở thêm các tuyến đường để hạn chế điểm yếu. "Nếu họ không thể hoàn tất những dự án này, họ vẫn sẽ có điểm yếu dễ khai thác. Nỗ lực hiện đại hóa quân sự bằng cách mua sắm khí tài hiện đại một cách vô tội vạ sẽ chỉ dẫn tới vòng luẩn quẩn, cản trở cải cách kinh tế", Tống Trung Bình nhận định.
Vũ Anh (Theo Global Times)