Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS) trong những tuần gần đây trì hoãn phê duyệt linh kiện điện thoại di động và TV có nguồn gốc từ Trung Quốc, "gây nguy hiểm" cho kế hoạch của các công ty như Xiaomi và Oppo, các nguồn tin từ hai nước ngày 14/8 cho biết.
Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc, BIS cùng Oppo chưa bình luận, Xiaomi từ chối phản hồi về thông tin.
Động thái của Ấn Độ diễn ra sau vụ ẩu đá chết người tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc hồi tháng 6. Đây là lần đụng độ nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, khiến người Ấn Độ cũng như chính phủ có động thái "tẩy chay" hàng Trung Quốc, gây tổn hại kinh tế cho cả hai quốc gia châu Á. Các quan chức Ấn Độ cảnh báo thiệt hại kinh tế do căng thẳng biên giới sẽ trở nên tồi tệ hơn.
"Mối quan hệ đi xấu đi đáng kể", một quan chức Ấn Độ nói và cho biết nước này không thể chấp thuận lập tức một số đề xuất đầu tư từ các công ty Trung Quốc. "Chúng tôi không thể làm ăn bình thường nữa".
Ấn Độ yêu cầu kiểm tra các dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào tháng 4, chính phủ quốc gia Nam Á chậm phê duyệt mọi yêu cầu sau vụ ẩu đả chết người. Bộ Thương mại Ấn Độ chưa bình luận về thông tin này.
Một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết chính phủ đang thảo luận chính sách tiêu chuẩn mới, có thể được công bố vào cuối tháng 8, nhắm vào sản phẩm chất lượng thấp từ Trung Quốc và nhiều nơi khác. Cuộc thảo luận này khiến việc phê duyệt cho các công ty Trung Quốc bị đình trệ, thậm chí cả các doanh nghiệp nổi tiếng, trong lúc họ hy vọng tăng doanh số bán hàng, theo một nguồn tin trong ngành công nghiệp Ấn Độ.
"Hàng hóa chưa được thông quan khi tiêu chuẩn đang trong giai đoạn cập nhật vì nhiều dòng sản phẩm có thể bị ảnh hưởng", quan chức Ấn Độ cho biết.
Trong 10 điện thoại thông minh bán ra tại Ấn Độ, 8 chiếc sản xuất bởi các công ty Trung Quốc, trong đó gồm Xiaomi và Oppo. Dù hai công ty này lắp ráp hầu hết mẫu tại Ấn Độ, Oppo và Xiaomi vẫn phải nhập một số linh kiện từ Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong những tuần qua kêu gọi xây dựng "một Ấn Độ tự lực" và hối thúc ngành công nghiệp tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước.
Theo lộ trình của BIS, một số hàng điện tử nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước đều phải đáp ứng tiêu chuẩn của Ấn Độ. Sau khi kiểm tra sản phẩm trong phòng thí nghiệm, BIS sẽ duyệt đơn đăng ký của doanh nghiệp.
Một nguồn tin từ hãng điện thoại thông minh của Trung Quốc cho biết doanh nghiệp thường bị ảnh hưởng bởi tình trạng chậm trễ khi BIS mất 15 ngày duyệt đơn, song quy trình xét duyệt nay "bị bỏ lửng".
Tính đến ngày 14/8, 643 đơn đăng ký đang chờ BIS duyệt, trong đó 394 đơn được nộp từ 20 ngày trước, theo thông tin trên trang web của cơ quan này. Tuy nhiên, BIS không cho biết bao nhiêu đơn đăng ký của các công ty Trung Quốc.
Công ty Dịch vụ Chứng nhận Công nghệ CP-UP, đặt trụ sở tại thành phố Quảng Châu của Trung Quốc, ngày 4/8 thông báo với khách hàng rằng BIS ngừng xử lý đơn đăng ký "của các hãng sản xuất không phải của Ấn Độ" từ hôm 23/7 vì "chiến tranh thương mại Ấn - Trung".
Chưa rõ hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc có bị Ấn Độ chậm thông quan hay không. Một quan chức BIS cho biết các cuộc kiểm tra bổ sung đang được triển khai và cơ quan này tham vấn với một số bộ trước khi duyệt bất cứ đơn đăng ký nào.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)