Nhà chức trách Ấn áp lệnh giới nghiêm ở thành phố Srinagar của khu vực Kashmir cho đến 6/8, nhằm đề phòng các cuộc biểu tình bạo lực. Động thái được đưa ra sau khi cảnh sát nhận được thông tin các nhóm ly khai, bao gồm các phần tử được Pakistan hỗ trợ, đã lên kế hoạch cho "Ngày đen tối" vào 5/8, nguy cơ tấn công đe dọa tính mạng và tài sản người dân ở khu vực này.
Ngày 5/8/2019, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi quyết định bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp Ấn Độ, hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời đề xuất tách bang này thành hai vùng lãnh thổ do liên bang kiểm soát, gồm Jammu và Kashmir, tách biệt với Ladakh. Động thái vấp phải sự phản đối của người dân trong khu vực và nước láng giềng Pakistan.
Jammu và Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống, trong khi tôn giáo chủ yếu ở nước này là Ấn Độ giáo. Cả Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.
Chính quyền Thủ tướng Modi giải thích rằng quyết định xoá bỏ quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực này, giúp khu vực hội nhập với phần còn lại của đất nước.
Pakistan đã phản đối quyết định trên của chính phủ Ấn Độ, đồng thời tuyên bố sẽ dõi theo ngày kỷ niệm của Kashmir, nhằm thể hiện tình đoàn kết với người dân khu vực. Trong khi đó, New Delhi cáo buộc Pakistan ủng hộ các nhóm chiến binh hoạt động ở Kashmir, song Islamabad phủ nhận, tuyên bố họ chỉ hỗ trợ về mặt tư tưởng và ngoại giao cho người Kashmir trong "cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ".
Mai Lâm (Theo Reuters)