"Ấn Độ có cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực như viễn thông, vật tư y tế và các lĩnh vực khác", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng kinh doanh Mỹ - Ấn ngày 22/7. "Ấn Độ có được vị thế như hiện nay vì giành được lòng tin của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ", ông Pompeo nói.
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc trở nên căng thẳng sau các vụ đụng độ ở biên giới hồi tháng trước. Đây là lần đụng độ chết người đầu tiên tại khu vực biên giới dài 3.488 km giữa hai nước, sau vụ Trung Quốc phục kích và bắn chết 4 binh sĩ Ấn Độ tại Tulung La, Arunachal Pradesh năm 1975.
Đề cập các cuộc đụng độ trên giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng hành động của Bắc Kinh là "không thể chấp nhận được".
"Mỹ chưa bao giờ ủng hộ việc đảm bảo an ninh cho Ấn Độ nhiều như hiện tại. Ấn Độ là đối tác quan trọng và là đồng minh chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump", ông Pompeo nói.
Động thái được nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức xấu nhất trong nhiều năm qua. Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc giấu dịch khiến Covid-19 lây lan, ảnh hưởng tới công tác chống dịch của nước khác, điều mà Bắc Kinh kiên quyết phủ nhận.
Chỉ trong vài tuần, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump cũng áp đặt trừng phạt với Trung Quốc, do những cáo buộc về chính sách liên quan đến Hong Kong và Tân Cương, đồng thời gây sức ép để các đồng minh dừng hợp tác với Huawei do lo ngại về vấn đề an ninh.
Các chuyên gia hồi đầu tháng cũng cảnh báo biên giới Ấn - Trung chưa thể hạ nhiệt nhanh chóng và vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, dù chỉ huy hai nước đã đàm phán hồi cuối tháng trước.
Trung Quốc,nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới với GDP 13.600 tỷ USD, là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ sau Mỹ, với các lĩnh vực từ cung cấp linh kiện công nghiệp và nguyên liệu thô cho đến đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và công nghệ Ấn Độ. Trung Quốc chiếm hơn 5% tổng sản lượng xuất khẩu của Ấn Độ và hơn 14% lượng nhập khẩu trong năm tài chính 2019-2020, đồng nghĩa Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á với GDP 2.700 tỷ USD, nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, theo Bloomberg.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Ấn Độ gồm điện thoại thông minh, thiết bị điện, phân bón, linh kiện ôtô. Thành phẩm thép, thiết bị viễn thông, toa tàu điện ngầm, dược phẩm, hóa chất, nhựa và nhiều sản phẩm công nghiệp khác. Lượng hàng Ấn Độ mua từ Trung Quốc tăng 45 lần kể từ năm 2000, theo Invest India.
Trung Quốc còn trực tiếp đầu tư vào các ngành luyện kim, năng lượng tái tạo, thiết bị điện, ôtô và hóa chất của Ấn Độ. Bloomberg và China Global Tracker cho biết đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Ấn Độ đạt 4,14 tỷ USD trong năm 2019. Invest India xác định có khoảng 800 công ty Trung Quốc đang hoạt động tại thị trường Ấn Độ, trong đó có 75 công ty thuộc ngành kĩ thuật công nghệ như sản xuất điện thoại, máy tính, thiết bị điện và ôtô.
Mai Lâm (Theo SCMP)