Bệnh viện Guru Teg Bahdur, phía Bắc New Delhi, mắc kẹt trong tình trạng thiếu bình dưỡng khí và giường bệnh. Nhiều bệnh nhân phải chịu kết cục thương tâm là chết trên xe kéo hoặc cáng ngay trước cổng bệnh viện vì không có giường điều trị.
Trong các phòng bệnh đông nghẹt, hai người phải chung nhau một giường. Dù không còn chỗ, nhiều gia đình vẫn tuyệt vọng kéo đến bệnh viện, cầu xin bác sĩ tiếp nhận người thân của họ.
"Chúng tôi đã tìm giường trong suốt ba ngày", một người tên Irfan cho hay, trong khi vợ anh ngồi bất động trên vỉa hè.
"Các nhân viên y tế đang nỗ lực hết mình nhưng bệnh viện không có đủ oxy", Tushar Maurya, một người nhà của bệnh nhân, nói.
Bệnh viện Ganga Ram ở New Delhi, đang điều trị cho 500 bệnh nhân Covid-19, thông báo vào sáng 23/4: "Chúng tôi chỉ còn đủ oxy cho hai giờ nữa". Bình dưỡng khí đã được đưa đến viện kịp thời, tạm xoa dịu tình hình.
Cho tới tối 23/4, một số cơ sở y tế khác vẫn chưa nhận được oxy. Trung tâm Chấn thương Cột sống Ấn Độ, đang chăm sóc cho 160 bệnh nhân Covid-19, thông báo lúc 6h chiều cùng ngày rằng bệnh viện chỉ còn lượng oxy đủ dùng trong 30 phút. Họ đã chờ từ tối 22/4.
Cô Haleem Khan, sống tại bang Uttar Pradesh, chạy qua nhiều bệnh viện công và tư để tìm giường cho người mẹ 76 tuổi. "Ở khắp nơi, nhiều người như chúng tôi đang vật lộn vì thiếu bình dưỡng khí. Họ đã cầu cứu lãnh đạo bệnh viện nhưng chẳng được lắng nghe. Nhiều cơ sở y tế thông báo nếu muốn có giường, người nhà bệnh nhân phải tự kiếm bình oxy", Khan cho biết.
Khan liên hệ với các nhà cung cấp tư nhân nhưng không mua được. Mẹ của cô chết vào tối 22/4, bảy ngày sau khi bà lên cơn sốt.
Thảm kịch nối tiếp nhau. Tại Maharashtra, một trong những bang chịu thiệt hại nặng nề nhất, 13 người đã chết trong vụ cháy nổ ra tại một bệnh viện vào sáng 23/4. Vào đầu tuần, 22 bệnh nhân Covid-19 phải thở máy chết vì sự cố rò rỉ đường ống dẫn dưỡng khí.
Trước tình hình căng thẳng, ngày 22/4, Tòa án Tối cao đề nghị Thủ tướng Narendra Modi lập kế hoạch quốc gia về cung cấp oxy và thuốc điều trị Covid-19. Các nhà máy cho biết họ có oxy nhưng đang cách xa các bệnh viện bị ảnh hưởng nặng nhất.
"Chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ sản xuất, nhưng khó khăn lớn nhất là vận chuyển oxy đến những nơi cấp bách", theo Saket Tiku, chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Khí Công nghiệp Ấn Độ.
Do đặc tính dễ cháy nổ của oxy y tế, chúng đều phải vận chuyển trong các bồn chứa đặc chủng và phải lên kế hoạch vận chuyển chi tiết để đảm bảo giao hàng đúng hẹn. Tuy nhiên, New Delhi hiện nhận được 177 tấn oxy tinh khiết vào ngày 21/4, thay vì 378 tấn như được phân bổ. Nguyên nhân là các nhà máy sản xuất đặt tại các bang khác, quá xa thủ đô. Ngoài ra, khi các bệnh viện tại New Delhi cạn kiệt bình dưỡng khí thì các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự nên họ có động thái ưu tiên mọi nguồn lực để cứu mình trước tiên, hơn là hỗ trợ thủ đô.
Chính phủ đang hành động thần tốc để khắc phục tình trạng thiếu bình dưỡng khí tại những điểm nóng. Ngành đường sắt tổ chức các chuyến tàu "oxy tốc hành" để giải cứu nhiều địa phương trên cả nước.
Hôm 24/4, không quân Ấn Độ đã chở 4 container gồm các bình oxy đông lạnh từ Singapore. Ngày 23/4, Bộ Quốc phòng cho biết 23 nhà máy tạo oxy di động đang được đưa từ Đức về bằng đường hàng không. Các nhà máy di động sẽ được triển khai ở các bệnh viện Khoa học Y khoa Lực lượng Vũ trang đang điều trị bệnh nhân nhiễm virus.
Trong khi đó, các nhà sản xuất kim loại của Ấn Độ chuyển oxy công nghiệp cho chính quyền các bang. Công ty Anil Agarwal chuyên cung cấp oxy cho các nhà máy sản xuất kẽm và thép đã khởi động cơ sở oxy tại khu liên hợp Tamil Nadu. Nhà máy có thể cung cấp 1.000 tấn oxy mỗi ngày. Các nhà máy thép Tata Steel, JSW Steel và Jindal Steel cũng đang chuyển oxy công nghiệp dự trữ sang sử dụng cho mục đích y tế khi nhu cầu leo thang.
Hiện, số ca mắc Covid-19 mới của Ấn Độ đã tăng 346.786 ca trong ngày 23/4, nâng tổng số ca nhiễm lên khoảng 16,6 triệu, đưa nước này trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới. Số người chết hiện nay là 189.544 sau khi ghi nhận thêm 2.624 trường hợp, con số cao nhất Ấn Độ từng báo cáo.
Mai Dung (Theo Reuters, Guardian, AFP)