Trả lời:
Đột quỵ liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc, rượu bia, ít vận động thể lực... Đột quỵ ở người trẻ còn do những bất thường bẩm sinh như dị dạng mạch máu não vốn có từ bé, đến thời điểm các phình mạch đủ lớn gây ra vỡ. Do đó, rất khó để kết luận việc một yếu tố nào đó "có gây đột quỵ" hay không.
Tùy theo từng yếu tố và tình trạng của mỗi người mà nguy cơ đột quỵ có thể tăng lên hoặc giảm ít đi. Đây là lý do tại sao hai người đều vận động thể lực như nhau, nhưng có người lại bị đột quỵ, có người không.
Do đó, ăn đêm có làm tăng nguy cơ đột quỵ hay không còn phụ thuộc vào việc bạn ăn gì và hàm lượng bao nhiêu hơn là thời điểm ăn. Nếu bạn chọn những thực phẩm lành mạnh có nhiều chất dinh dưỡng, ít năng lượng, ăn với một lượng ít vừa đủ có thể giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch nói chung và đột quỵ nói riêng.
Ví dụ, bạn uống một ly sữa nóng và ăn một ít trái cây hay salad hàm lượng đường thấp trước khi đi ngủ có thể làm giảm tình trạng đói bụng, ngủ sâu giấc hơn, cung cấp đủ năng lượng qua một đêm. Ăn quá nhiều gà rán, uống nước ngọt nhiều đường, có thể gây khó tiêu, trào ngược dạ dày, thậm chí khó vào giấc ngủ. Tình trạng này kéo dài khiến năng lượng dư thừa, tích lũy trong cơ thể, gây bệnh lý.
Do đó, người trẻ cần xây dựng lối sống lành mạnh, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...
Mọi người cần khám sức khỏe định kỳ. Không tự ý ngưng thuốc khi thấy sức khỏe ổn hoặc tự mua thuốc theo đơn cũ. Tránh những yếu tố gây nguy cơ đột quỵ bằng cách ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa
Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175