Trả lời:
Bánh mì chấm sữa buổi sáng được nhiều người lựa chọn bởi sự nhanh gọn, tiện lợi, đầy đủ dinh dưỡng, nhưng không nên ăn liên tục. Bánh mì chứa nhiều tinh bột, còn sữa đặc chứa nhiều đường, chất béo. Khi hai thực phẩm này kết hợp, sẽ cung cấp lượng calo dư thừa, nguy cơ gây béo phì.
Người trưởng thành chỉ nên ăn 1-2 lần một tuần và mỗi lần ăn nên cân nhắc số lượng hợp lý. Phụ nữ mang thai, người thừa cân, béo phì, mắc đái tháo đường nên hạn chế món này. Cụ thể, ở phụ nữ mang thai, sẽ làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, bệnh tim mạch, trong khi món này không cung cấp nhiều dinh dưỡng cho thai nhi. Còn bệnh nhân đái tháo đường có thể thay bằng bánh mì nâu, sử dụng sữa chuyên biệt.
Bạn có thể cho trẻ em dùng bánh mỳ với sữa tươi, thay vì sử dụng sữa đặc có đường. Ngoài ra, để thay đổi khẩu vị, có thể kết hợp bánh mì với trứng, thành món bánh mì kẹp trứng, hoặc bánh mì lát kết hợp trứng ốp. Nhóm tinh bột từ bánh mì kết hợp cùng protein, chất béo trong trứng và dầu rán trứng, vitamin và khoáng chất từ các loại rau gia vị như đu đủ, cà chua, dưa chuột, rau mùi, giúp bữa sáng đầy đủ, đa dạng và cân bằng các nhóm chất.
Bữa sáng rất quan trọng, ngoài việc ăn đủ năng lượng cho ngày mới, cần bổ sung đa dạng thực phẩm, đặc biệt là chất xơ trong rau xanh, hoa quả. Không nên coi bữa sáng là tạm bợ bằng cách sử dụng những thực phẩm tiện lợi, có thể gây hại sức khỏe.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng
Viện Dinh dưỡng Quốc gia