Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (Amcham) quy định buộc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam tại dự thảo Luật An ninh mạng, không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam, còn tạo gánh nặng không cần thiết cho các doanh nghiệp nước ngoài.
“Các biện pháp và trách nhiệm lớn với nhà cung cấp dịch vụ Internet có thể cản trợ sự phát triển dịch vụ này; khiến doanh nghiệp mất thêm chi phí kinh doanh tại Việt Nam”, ông Adam Sitkoff nói tại hội thảo "Thách thức của việc thay đổi chính sách với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" ngày 7/12.
Không chỉ vậy, một số quy định khác của Việt Nam, theo đại diện Amcham, đang bất hợp lý. Ông dẫn ví dụ yêu cầu một đơn vị Việt Nam chỉ được làm việc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép, theo nội dung tại Nghị định 181/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Theo ông Sitkoff, quy định này đã đặt Việt Nam vào tình trạng vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia theo Hiệp định gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
“Quy định này cũng hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa quảng bá sản phẩm, dịch vụ, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Goolge…”, Giám đốc điều hành Amcham nói.
![amcham-bat-facebook-google-dat-may-chu-khong-cai-thien-an-ninh-mang](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2017/12/07/Facebook-7986-1512636843.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BCMqtz-wFWRC2u-qg1nd3A)
Các doanh nghiệp ngoại lo ngại quy định buộc đặt máy chủ tại Việt Nam sẽ khiến họ gặp thêm nhiều khó khăn trong kinh doanh. Ảnh minh họa
Nêu ví dụ những quy định 'chưa phù hợp với thông lệ quốc tế', đại diện Amcham nêu quan điểm, chính sách thực thi thiếu đồng nhất, đối xử không công bằng giữa các khu vực sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp rủi ro, trở ngại trong đầu tư kinh doanh.
"Thực tế này gây khó khăn lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp, bất luận nó là hệ quả của tham nhũng, chủ nghĩa bảo hộ, việc thu thuế, hay Chính phủ đang chọn kẻ thắng người thua", ông Adam nói.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng nhận xét, doanh nghiệp trong, ngoài nước sợ nhất chính sách liên tục thay đổi, nhiều khi họ không kịp trở tay.
"Luật cứ 5 -7 năm lại thay đổi, doanh nghiệp chịu không nổi. Có chính sách hồi tố doanh nghiệp khiến họ từ thực hiện đúng thành sai", bà nói và góp ý, chính sách hay luật đưa ra cần mang tính dài hạn, hạn chế sửa đổi, bổ sung.
Qua kết quả khảo sát với các nhà đầu tư ngoại tại Việt Nam của Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI thông tin, điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam là chính sách thuế ổn định, truyền thống; chi phí đầu tư rẻ, ưu đãi về môi trường ổn định, và thuế ổn định.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng không cân xứng và giá trị nhân lực chưa phù hợp khiến doanh nghiệp FDI lo lắng. "Trước khi quyết định đầu tư, sự ổn định và nhất quán là điều quan trọng nhất giúp nhà đầu tư yên tâm. Những thay đổi chính sách không nhất quán sẽ khiến tăng rủi ro", ông Tuấn cho biết.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, hiện Chính phủ Việt Nam ngoài các chỉ thị, quyết định còn tiếp tục duy trì Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải cách bộ máy, cải cách khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nay đến năm 2030. Điều đó có nghĩa là Chính phủ đang đi bước đi dài hơn về cải cách, rút bớt các điều kiện, rào cản kinh doanh chứ không giật cục, chạy theo giải quyết vấn đề trong hàng năm.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, Nghị quyết 19, năm 2014 là 50 giải pháp nhưng chưa thực hiện được, có cái báo cáo lên trên cũng không địa phương nào làm nổi. Năm 2015, tiếp tục đưa ra 73 giải pháp để cải cách, thực hiện có vẻ tốt hơn với 67% số cải cách được thực hiện. Tuy nhiên, đo đếm bằng gì thì còn nghi ngờ, làm được tận cùng hay không. Lực cản chính, theo bà, chính là bộ máy trong thực thi chính sách.
"Cạnh tranh thị trường công bằng là động lực chính thúc đẩy gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, gia tăng năng suất lao động. Vì vậy, tất cả các giải pháp cải cách thế chế, cải thiện môi trường kinh doanh phải hướng đến phát triển các loại thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng nhằm tăng hiệu quả kỷ thuật, hiệu quả phân bố và là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế", bà Lan khuyến nghị.
Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại chỉ ra hai nút thắt chính cần cởi bỏ nếu muốn thu hút thêm dòng vốn FDI mới trong tương lai, đó là bộ máy Nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức. "Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp; cả hai đang cản trở quá trình phát triển theo hướng cải cách và hội nhập. Đó là hai lực cản cần được giải quyết để định hướng và chính sách mới về FDI được thực hiện có kết quả", ông Mại lưu ý.
10 đồng xuất khẩu, doanh nghiệp FDI góp 7 đồng Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, 11 tháng đầu năm 2017, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài là 33,09 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2016. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nguồn vốn FDI đóng góp lớn khi "cứ 10 đồng xuất khẩu thì có 7 đồng đóng góp từ FDI". Khu vực FDI đang chiếm 20% GDP, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng còn nhiều bất cập cần điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh mới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ đã có sự chuyển dịch cơ cấu, xu hướng đầu tư, làn sóng FDI. |
Anh Minh