Trả lời VnExpress bên lề họp báo Chính phủ chiều 3/11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng cho biết, việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng lại đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến công tác quản lý gặp khó khăn "khi các tổ chức cá nhân lợi dụng các mạng để nói xấu chế độ, bôi nhọ xuyên tạc".
"Chúng ta rất dân chủ công khai nhưng cũng cần đảm bảo an toàn an ninh quốc gia. Vì thế phải có cơ quan quản lý Nhà nước là đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề này. Chứ nếu anh ở đâu đó nói xấu chế độ, xuyên tạc bôi nhọ, tạo ra ảnh hưởng không tốt tới tình hình an ninh đất nước thì cũng cần xem xét", ông nói.
Trước đó văn bản góp ý của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, cơ quan này cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam là chưa hợp lý. Điều kiện này, theo VCCI, hiện trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Riêng với quy định "phải đặt máy chủ ở Việt Nam mới được kinh doanh", một chuyên gia cho rằng, nếu quy định này được áp dụng thì các nhà cung cấp dịch vụ như Google, Facebook, Yahoo hay Viber... đều sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam.
"Một số nhà cung cấp dịch vụ họ cho rằng, thà bỏ thị trường Việt Nam chứ không chấp nhận đặt máy chủ tại Việt Nam. Lúc đó sẽ không còn Gmail, Facebook hay Youtube... nữa", vị này lo ngại.
Tại văn bản góp ý dự luật này, VCCI cũng dẫn chiếu quy định về Thương mại điện tử tại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được Việt Nam ký kết hồi tháng 2/2016, trong đó nêu "không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó...".
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI cho rằng, dù TPP chưa được Quốc hội phê chuẩn nhưng Việt Nam và 10 nước còn lại trừ Mỹ vẫn tiếp tục đàm phán để đưa ra quyết định cuối cùng. Do đó, VCCI cho rằng cần hết sức cân nhắc và không nên đặt ra quy định pháp luật trong nước đi ngược lại hướng của TPP.
Cũng theo VCCI, dự Luật An ninh mạng đang theo hướng bổ sung một số thủ tục hành chính nữa đối với cung cấp sản phẩm, dịch vụ lĩnh vực này. Thực tế kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, gồm kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin được xác định tại Luật Đầu tư và Luật An toàn thông tin mạng (Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì soạn thảo).
"Cùng một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lại chịu 2 lần thẩm định về điều kiện và năng lực ở 2 thời điểm khác nhau tại 2 cơ quan quản lý. Cần cân nhắc kỹ để tránh chồng chéo giữa các Luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp", VCCI nêu quan ngại.
Dự Luật An ninh mạng lần đầu được Bộ trưởng Công an Tô Lâm thừa uỷ quyền của Thủ tướng trình Quốc hội vào ngày 25/10 vừa qua.
Anh Minh