Tôi yêu lịch sử và thích môn học này suốt thời đi học.
Tốt nghiệp phổ thông, dưới áp lực phải học một ngành gì đó để kiếm được việc làm, tôi không chọn ngành Sử mà vào khoa Báo chí. Khi đã trở thành nhà báo trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, tôi quyết định thi vào lớp Cao học Lịch sử của Khoa Lịch sử, thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tôi nhập học trong sự ngạc nhiên của anh em, bè bạn và thầy cô. Logic và dễ hiểu hơn trong trường hợp của tôi phải là học về báo chí, chính trị hay kinh tế. Nhưng câu trả lời cũng rất dễ hiểu của tôi là: tôi yêu môn Sử và muốn học một cách nghiêm túc; và tôi cảm thấy lịch sử kinh tế tài chính có nhiều điều thú vị, còn dư địa rất lớn cho các hoạt động nghiên cứu, khảo cứu.
Lịch sử giúp chúng ta hiểu biết về quá khứ để minh định con đường tương lai, cho cá nhân, gia đình, dòng họ; cao hơn là cho Tổ quốc.
Khi theo dõi sát cuộc tranh luận liên quan đến việc nên quy định Lịch sử là môn lựa chọn hay bắt buộc ở bậc THPT, tôi không thấy có vấn đề gì lắm khi để Lịch sử thuộc nhóm "môn tự chọn".
Một số người "ấm ức" cho môn Sử khi nó không được xếp ngang hàng về độ quan trọng như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nhưng tôi nghĩ điều này là hợp lý. Chương trình giáo dục phổ thông mới chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở) trang bị tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) giúp học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông.
Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản. Toàn bộ kiến thức cốt lõi, sự phát triển từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại (gọi là thông sử) của thế giới và Việt Nam được dạy trong giai đoạn này.
Như vậy, môn lịch sử trong chương trình tiểu học và trung học cơ sở đã được thiết kế đầy đủ. Học sinh nào, như tôi ngày xưa, yêu thích Sử, vẫn có thể học tiếp ở cấp ba và đại học.
Hiểu về lịch sử, cũng như Địa lý, Hóa học hay Sinh học, tôi nghĩ chỉ cần kiến thức căn bản. Kiến thức chuyên sâu về lịch sử, cũng như các ngành khoa học khác, chỉ nên dành cho một nhóm - những người cần hoặc yêu thích. Đừng bắt một nhà toán học tương lai phải thuộc làu làu sự kiện lịch sử như thời chúng tôi, vừa tốn kém nguồn lực, vừa phi thực tế.
Nếu lo ngại học sinh không chọn (học sâu thêm) môn Sử sẽ ảnh hưởng tới giáo dục lòng yêu nước, thì không có cách nào khác ngoài khơi gợi niềm đam mê với môn học này. Lịch sử phải được trả về đúng thực chất, là môn học hấp dẫn, chứ không phải môn học đặc thù theo định hướng. Muốn làm được như vậy, cần nỗ lực cải thiện phương pháp giảng dạy cũng như công cụ học tập.
Về phương pháp, nên dẫn dắt câu chuyện để học sinh tự hiểu vấn đề và thúc đẩy tìm hiểu thêm, thay vì bắt ép học thuộc chi tiết. Về công cụ học tập, nếu như trước đây, học Sử chủ yếu là đọc sách thì từ nay nên có thêm nhiều công cụ khác. Tôi thấy các video về lịch sử trên YouTube rất hấp dẫn, nên chăng có thể sản xuất, chiếu các video này trong giờ Sử, vừa trực quan sinh động, vừa lôi cuốn học sinh. Ví dụ nói về ngày 30/4, một đoạn vài phút trong đó có hình ảnh biểu tượng là chiếc xe tăng húc vào cổng Dinh Độc Lập cũng ấn tượng hơn rất nhiều so với vài trang sách dày đặc chữ viết.
Tới đây trong nền kinh tế tri thức và ở một cấp độ phát triển cao hơn của xã hội, nhu cầu thực tế của đời sống sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành khoa học lịch sử. Con người sẽ mong muốn tìm hiểu về nguồn gốc của chính mình, nguồn gốc của gia đình, dòng họ, làng mạc, doanh nghiệp... Trong từng lĩnh vực đời sống cũng cần tìm hiểu về lịch sử. Hiện nay chúng ta biết khá nhiều về lịch sử chống ngoại xâm của đất nước, từng trận đánh, từng nhân vật nhưng lịch sử kinh tế, tài chính hay lịch sử các ngành vẫn còn rất nhiều dư địa để nghiên cứu, khảo cứu...
Ngành sử đang không được coi trọng đúng mức, nhưng tôi có niềm tin rằng trong tương lai, khoa học lịch sử sẽ có chỗ đứng vững chắc, nếu chúng ta có sự thay đổi căn bản về phương pháp dạy và học bộ môn rất quan trọng này.
Hoàng Anh Minh