Sau khi Donald Trump cuối tuần trước cảnh báo Triều Tiên "có thể không trụ được lâu", Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho gọi lời nói của Trump là "tuyên chiến" và dọa "bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược Mỹ ngay cả khi chúng không vào trong không phận Triều Tiên".
Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên cáo buộc Mỹ và các đồng minh tuyên chiến. Thực tế, chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng lệnh đình chiến chứ không phải là hiệp định hòa bình. Về mặt lý thuyết, hai nước vẫn trong tình trạng chiến tranh suốt 64 năm qua.
Nhưng lời đe dọa rõ ràng của ông Ri là bắn hạ máy bay ném bom Mỹ không chỉ mở ra lo ngại mới về tính toán sai lầm dẫn đến xung đột mà còn hé lộ nỗi sợ bị Mỹ oanh tạc của Triều Tiên, theo Guardian.
Trong màn thể hiện sức mạnh cuối tuần trước, các máy bay ném bom Mỹ B-1B Lancer được hộ tống bởi tiêm kích F-15C Eagle đã bay lượn ở ngoài khơi phía đông Triều Tiên.
Trong khi máy bay ném bom B-1B không còn thuộc lực lượng hạt nhân Mỹ, chúng có thể mang lượng lớn vũ khí thông thường, điều mà những người Triều Tiên vẫn nhớ đến cuộc chiến 1950 - 1953 không thể quên.
Cuộc chiến khiến Triều Tiên luôn thù địch với Mỹ. Video: CNN.
Hầu hết nhà sử học nói rằng Triều Tiên đã khơi mào chiến tranh Triều Tiên khi họ điều gần 250.000 lính qua vĩ tuyến 38 vào Hàn Quốc ngày 25/6/1950. Tuy nhiên, tất cả học sinh Triều Tiên đều được dạy rằng Mỹ là bên gây ra xung đột.
Dù vậy, họ cũng học được điều chính xác là kẻ thù của họ đã rải bom xuống hàng chục thị trấn và thành phố Triều Tiên, sự kiện hiếm khi được đưa tin trên truyền thông Mỹ vào thời đó.
"Điều mà rất ít người Mỹ nhớ hay biết đến là chúng ta đã ném bom rải thảm Triều Tiên trong ba năm liền mà không cần quan tâm đến thương vong của dân thường", Bruce Cumings viết trong cuốn sách Lịch sử Triều Tiên.
Sự kiện này có thể đã hoàn toàn bị lãng quên ở Mỹ, nhưng không phải ở Triều Tiên, nơi chính quyền khai thác mọi cơ hội để nhắc nhở người dân, trong các trường học, viện bảo tàng và thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước - rằng Mỹ vẫn là nước gây hấn.
Blaine Harden, tác giả cuốn sách về chiến tranh Triều Tiên có tên "Lãnh đạo tối cao và phi công tiêm kích", nói rằng máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã dễ dàng tấn công Triều Tiên vì họ gặp ít sự chống trả từ mặt đất.
Trong một bài xã luận trên Washington Post, Harden đã trích dẫn Dean Rusk, người ủng hộ cuộc chiến và sau này trở thành ngoại trưởng Mỹ trong những năm 1960, nói rằng Mỹ đã đánh bom "mọi thứ di chuyển ở Triều Tiên, mọi viên gạch chồng lên nhau".
Curtis LeMay, người đứng đầu bộ chỉ huy chiến lược không quân Mỹ trong cuộc xung đột, sau đó nói rằng chiến dịch ném bom của Mỹ đã khiến khoảng 20% dân số Triều Tiên thiệt mạng. "Chúng tôi cuối cùng đã đốt cháy mọi thị trấn ở Triều Tiên", ông nói.
Theo ước tính của không quân Mỹ, các vụ đánh bom gây ra nhiều thiệt hại cho các trung tâm đô thị của Triều Tiên hơn ở Đức hoặc Nhật trong Thế chiến II. Mỹ đã thả 635.000 tấn bom xuống Triều Tiên, trong khi họ thả 503.000 tấn bom xuống mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II.
"Rõ ràng là đối với chính quyền Triều Tiên và tư tưởng đặt quân sự lên hàng đầu của họ, sự tàn phá trong chiến tranh Triều Tiên luôn khắc sâu trong tâm trí họ", Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí ở Washington, nói.
Mặc dù Nhà Trắng cho rằng việc Ngoại trưởng Triều Tiên cáo buộc Mỹ tuyên chiến là vô lý, việc ông Ri nhắc đến các máy bay ném bom Mỹ phản ánh mối lo ngại của Triều Tiên về nguy cơ bị tấn công phủ đầu.
"Các chuyến bay của B1-B là một hoạt động khá thường xuyên của Mỹ nhằm báo hiệu cho các đồng minh rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ họ", Kimball nói. "Nhưng các nhà lãnh đạo Triều Tiên coi chúng là mối đe dọa vì chúng có thể là lực lượng thực hiện đòn trả đũa đầu tiên nếu xung đột nổ ra, hoặc chúng có thể tham gia chiến dịch 'chặt đầu rắn' nhằm vào giới lãnh đạo Triều Tiên", ông nhận xét.
Phương Vũ