Gần đây, đọc tin số ca mắc bệnh dại có xu hướng tăng lên tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ông Nhân giật mình nhớ lại câu chuyện ám ảnh hơn 50 năm trước, khi người dân chưa hiểu đầy đủ vai trò phòng bệnh của vaccine dại. Thay vì tiêm phòng khi bị chó cắn, hai người làng ông khi đó chỉ rửa, sát trùng vết thương hoặc dùng phương pháp dân gian. Đến khi phát bệnh mọi chuyện đã muộn, cả hai đều ra đi trong đau đớn. "Tôi vừa sợ, vừa xót xa khi nghe người bệnh cũng là bạn học của tôi rên ư ử trong căn phòng riêng, không còn dáng vẻ hào hoa, trắng trẻo trước đây", ông Nhân kể lại.
Bài học thứ hai về bệnh dại đến khi ông Nhân 13 tuổi, bị chó nhà hàng xóm cắn. Sợ cha mẹ mắng và không biết cách xử trí, ông cầu cứu người cô, được đưa đến thầy lang để đắp cao vào vết cắn, lấy nanh nọc.
Gia đình ông Nhân không đồng ý với cách chữa trị này, vội đưa đến trung tâm phòng dịch để tiêm vaccine và sát trùng. Vì con chó không phát bệnh dại sau 10 ngày nên ông Nhân không cần tiêm thêm mũi vaccine.
"Sau đó tôi được bác sĩ giải thích rằng lấy nọc giảm được nguy cơ bệnh dại là phương pháp truyền miệng, không có kiểm chứng, ngoài ra rất đau đớn. Mọi người cũng cần tiêm chủng sớm, không nên chờ chó chết mới đi tiêm phòng", ông Nhân nói.
Giống ông Nhân, chị Lê Thị Xuân Thủy (32 tuổi, ngụ TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) bác sĩ y tế dự phòng, cũng bị bệnh dại ám ảnh vì đây là căn nguyên khiến bà nội mất vào năm 1987. Khi đó, vùng làng cổ Đông Hà còn nghèo, làng tranh, vách đất, số nhà có xe đạp được đếm trên đầu ngón tay. Bà nội chị Thủy bị chó thả rông cắn trên đường gánh lúa, máu chảy ướt hai ống quần. Tuy nhiên, bà không tiêm phòng dại do ngại tốn tiền, đường xa. Bà cho rằng chỉ cần kiêng nước, kiêng đi qua sông, bốc thuốc uống, vết chó cắn sẽ khỏi.
Đúng một tháng bảy ngày sau khi chó cắn, bà phát bệnh với các triệu chứng sốt, đau đầu, hít thở khó khăn, sợ nước, hai mắt long sòng sọc. Các cơn đau tăng dần, tiếng nói thay bằng tiếng rít qua kẽ răng, gầm gừ từ cổ họng. Cơn co rút của bà làm chiếc giường tre kêu lập cập, kéo dài hai ngày rồi khiến bà tử vong.
"Đến bây giờ, mẹ tôi luôn bị ám ảnh về cảnh tượng ngày hôm đó, đau đến quặn lòng vì hối tiếc. Còn tôi, mỗi khi gặp bệnh nhân đến tiêm phòng dại cũng thấy nhói ở tim, trong đầu vẫn hiện lên hai chữ nếu như", chị Xuân Thủy nói.
Theo chị Thủy, thuyết phục người dân đi tiêm đã là chuyện khó, khuyên được tiêm đủ liều còn khó hơn. Một số người tiếc tiền, ví dụ các cụ ông, cụ bà ngại gia đình tốn kém. Rất nhiều người hỏi chỉ một mũi có được không.
Bệnh dại nằm trong nhóm các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất. Bộ Y tế thống kê năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong; 6 tháng đầu năm 2023 đã có 41 ca tử vong do bệnh dại.
Tại một số tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, số ca mắc bệnh dại có xu hướng tăng lên. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai ngày 25/8 cho biết ghi nhận 7 ổ dịch, trong đó có 2 ca tử vong. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thống kê từ đầu năm đến cuối tháng 7, khu vực Tây Nguyên có 11 ca tử vong do dại, trong đó Gia Lai 8 ca và Đắk Lắk 3 ca.
Các ca tử vong do không tiêm ngừa dại khi bị chó cào, cắn. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm ngừa dại trên chó, mèo còn thấp, khiến nguy cơ bệnh dại bùng phát trở lại.
Bệnh dại khi khởi phát có tỷ lệ tử vong 100%. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh, vaccine là biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện có.
Theo BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, nhiều người từng lo ngại không tiêm vaccine dại vì sợ vaccine ảnh hưởng trí nhớ và thần kinh. Điều này đã từng gây ra những cái chết rất thương tâm. Bên cạnh đó, tâm lý "chó nhà nuôi thì không mắc bệnh dại" khiến nhiều người càng chủ quan, không tiêm khi bị cắn, hoặc chỉ sử dụng phương pháp dân gian như uống thuốc đông y, đắp lá vào vết thương...
Trong khi đó, virus dại có thể lây qua vết cắn, cào hoặc hành động liếm vào vết thương hở của động vật, ví dụ mèo, chó, dơi. Từ vết cắn, virus dại xâm nhập qua da, niêm mạc rồi nhân lên tại chỗ, sau đó tiến dọc theo dây thần kinh và di chuyển lên hệ thống thần kinh trung ương, phá hủy các tế bào thần kinh của vỏ não, vỏ tiểu não, tủy sống. Lúc này, người bệnh sẽ phát bệnh dại.
Thời gian ủ bệnh của virus dại có thể chỉ trong vòng 7 đến 10 ngày nhưng cũng có thể kéo dài nhiều năm. Vết cắn càng nặng, gần hệ thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
BS Chính cho biết vaccine dại thế hệ mới được sản xuất theo công nghệ hiện đại với hiệu quả cao và an toàn. Vaccine thế hệ mới không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, mọi người không nên e sợ tác dụng phụ của vaccine, bỏ lỡ thời gian tiêm phòng dại.
Hiện gần 130 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên toàn quốc đang có đầy đủ vaccine phòng dại thế hệ mới gồm vaccine Verorab (Pháp) và vaccine Abhayrab (Ấn Độ). Liệu trình đối với người chưa từng tiêm vaccine bao gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 8 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Trong trường hợp chủ động tiêm ngừa khi chưa bị chó mèo cắn, phác đồ sẽ bao gồm 3 mũi cơ bản vào các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28 và các mũi tiêm nhắc dành cho đối tượng có nguy cơ cao.
Những người có nguy cơ cao nên tiêm dự phòng vaccine dại, ví dụ như trẻ em thường xuyên chơi với chó, mèo, những người canh giữ rừng phòng hộ, nhân viên thú y, những người đi du lịch ở nơi khó tiếp cận vắc xin dại và huyết thanh sẵn...
Bên cạnh tiêm chủng, mọi người cần rửa kỹ vết thương dưới vòi nước sạch cùng xà phòng trong 10 đến 15 phút sau khi bị chó cắn. Việc này giúp đánh trôi màng lipid của virus dại, giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Mọi người không nặn máu ra khỏi vết thương, lấy nọc chó, mèo do các phương pháp này khiến cho các tế bào bị dập, tốc độ virus dại đi vào cơ thể nhanh hơn.
Nhiều năm làm giáo viên, ông Nhân luôn nhắc nhở học trò cẩn thận khi chơi với chó, nhắc gia đình cho con tiêm phòng dại ngay khi bị chó cắn. Con trai của ông cũng từng bị chó cắn, vị trí ngay đầu ngón tay, gần mút thần kinh.
"Mặc cho ai nói ra nói vào rằng tiêm vaccine có hại, tôi vẫn để con trai đi tiêm. Chính câu chuyện của bạn tôi, của tôi khi xưa là bằng chứng. Tôi tin vào y học hiện đại", ông Nhân cho biết.
Còn chị Thủy cho biết nỗi đau mất bà nội vẫn còn đó sau mấy mươi năm. Vì vậy, chị quyết tâm thuyết phục cho đến khi mọi người tiêm đủ mũi sau khi bị chó cắn.
Nhật Linh