18 tuổi, Yong Jun Kueh phát hiện mình tăng cân trong suốt kỳ thi cuối cấp. Cô quyết định nhịn ăn trong vòng hai ngày. Suốt 48 giờ, cô gái Hong Kong này chỉ uống nước ép, protein lắc và vitamin. Vòng eo dần bé lại khiến cô cảm thấy hài lòng. Yong kéo dài chế độ ăn của mình thêm vài tuần, cuối cùng bắt đầu chu kỳ nhịn đói thường xuyên. Cô mắc chứng rối loạn ăn uống.
Ở thời điểm căn bệnh trầm trọng nhất, Yong chỉ nặng 35 kg, nhẹ hơn một bé gái 11 tuổi. Cơ thể suy nhược, tuy nhiên cô cảm thấy thoải mái.
"Tôi ý thức được rằng mình bị bệnh vào thời điểm đó, nhưng tôi muốn sử dụng sức mạnh ý chí để vượt qua bản năng của cơ thể. Tôi thấy nhẹ nhõm vì cảm giác đã đạt được một điều gì đó trong cuộc sống", Yong giải thích.
Trường hợp như Yong không phải quá hiếm gặp. Rối loạn ăn uống là căn bệnh đang phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên gặp vấn đề về ăn uống đã tăng gấp đôi, lên 7,8% kể từ năm 2000 đến năm 2018.
Năm 2007, các nhà khoa học Hongkong phát hiện 3,9% trẻ em trai và 6,5% em gái mắc chứng rối loạn ăn uống hoặc chán ăn tâm thần.
Tại phương Tây, đây là căn bệnh phổ biến, có hàng loạt phương pháp điều trị tiến bộ và chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, người châu Á vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của nó, dù tỷ lệ bệnh nhân cao ngang ngửa các châu lục khác.
Rối loạn ăn uống (eating disorder) là căn bệnh có nguồn gốc tâm lý, đặc trưng bởi việc người bệnh tự ép buộc bản thân nhịn đói hoặc ăn vô độ. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) năm 2011 kết luận, những người mắc chứng rối loạn ăn uống có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bệnh nhân tâm thần khác, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở bệnh chán ăn tâm thần.
Giáo sư Joyce Ma của Đại học Hong Kong đã thực hiện một dự án kéo dài 10 năm tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Kết quả cho thấy, nhiều người trẻ chủ động nhịn đói để có được cảm giác kiểm soát đối với cân nặng của mình.
Joyce giải thích, tại một số nước châu Á, việc thành viên trong gia đình mắc bệnh về tâm thần thường bị coi là đáng xấu hổ. Vì vậy, nhiều người né tránh tìm kiếm sự tư vấn chuyên nghiệp từ bác sĩ.
Gabrielle Tüscher, một chuyên gia tâm lý và dinh dưỡng cho biết, ở châu Á, ăn uống không điều độ được coi là sự lựa chọn của mỗi cá nhân, thay vì một hội chứng. Nhiều người chỉ tìm kiếm sự giúp đỡ khi đã ở giai đoạn nghiêm trọng cần nhập viện. Đôi khi điều này là quá muộn.
Steph Nguyen được chẩn đoán mắc chứng chán ăn khi mới 16 tuổi. Dù giảm cân nhanh chóng, căn bệnh của cô bị coi nhẹ. Bác sĩ phát hiện bệnh khi không thể đo được mạch của Steph trong một buổi khám định kỳ. Cô phải nghỉ học để điều trị.
Steph đã tới ba chuyên gia trị liệu khác nhau mới tìm ra bệnh. Cô cho rằng, thiếu nghiên cứu về rối loạn ăn uống ở Hong Kong là điều đáng trách.
"Họ (các bác sĩ) không thực sự lắng nghe. Cách điều trị rối loạn ăn uống không giống với các bệnh khác. Họ thường xem đó như sự lựa chọn cá nhân, là lỗi của người bệnh", cô chia sẻ.
Steph hiện học ngành Tâm lý học tại New York. Nghiên cứu của cô cho thấy, tập quán và nỗi ám ảnh với thân hình mảnh mai ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người châu Á.
Quá trình điều trị cũng rất khó khăn. Đây là một hội chứng phức tạp, tốn thời gian để phục hồi và cần một đội ngũ tư vấn đa ngành. Tuy nhiên, người bệnh thường không biết liên lạc với ai, tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu. Nhiều bác sĩ trị liệu cung cấp sai biện pháp, số khác từ chối tiếp nhận bệnh nhân mắc chứng này.
Một số tổ chức phi lợi nhuận đã đi tiên phong trong việc hỗ trợ bệnh nhân và nâng cao nhận thức cộng đồng về rối loạn ăn uống, tuy nhiên chưa nhận được tài trợ thường xuyên từ chính phủ.
Yong Jun Kueh, năm 2018, chuyển về sống tại quê nhà Malaysia để làm huấn luyện viên thể hình. Tập gym giúp cô có chế độ ăn uống đa dạng hơn. Cô thường xuyên tham gia các cuộc thi sắc đẹp thể hình. Năm 2019, Yong vào vòng chung kết Hoa hậu Thế giới Malaysia. Cô đề xuất khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh rối loạn ăn uống.
Thục Linh (Theo South China Morning Post)