Al Howie, sinh năm 1945 tại Scotland, cùng con trai tới Canada từ đầu những năm 1970. Ông có thói quen hút ba gói thuốc lá mỗi ngày. Howie sau đó trở thành một trong những chân chạy đường dài vĩ đại trong lịch sử Canada. Câu chuyện của Howie thú vị đến mức Jared Beasley, một ký giả ở New York, bị thu hút ngay khi biết thông tin. Beasley đã cho ra đời cuốn sách "Giải mã Al Howie".
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi với một phụ nữ Mỹ khiến Howie trở thành gà trống nuôi con. Khi hai người còn đang tranh quyền nuôi con, Howie đưa cậu bé Gabe tới Toronto - quê nhà của người phụ nữ ông đang sống chung. Vì chuyện này, ông bị Interpol truy nã với tội danh bắt cóc, và phải tạm đổi tên đến khi tranh chấp với vợ cũ được giải quyết. Tại đây, mùa đông ông làm trong xưởng đúc, mùa hè ông làm trong mỏ đá.
Al Howie trên đường chạy những năm tháng trai trẻ. Ảnh: Times. |
Howie có con gái, Dana, vào năm 1976 nhưng quan hệ với người phụ nữ sống chung ngày càng xấu đi. Ông chuyển đến thành phố Victoria, tỉnh British Columbia (BC), năm 1978 và bắt đầu tập chạy dài, đôi khi là từ thành phố này sang thành phố khác. Ông kết hôn với Claudia Cole năm 1986 rồi ly dị vào năm 2000, sau đó chuyển đến Duncan, BC, để chữa tiểu đường từ năm 2005.
Hút ba gói thuốc mỗi ngày cho thấy đây là thói quen khó bỏ. Một ngày, khi cảm thấy khó chịu vì cơn thèm thuốc, Howie bắt đầu đi bộ nhanh trên phố. Ông đi khoảng 16 kilomet rồi dừng lại.
"Tôi quyết định chạy bộ để bỏ thói xấu", ông chia sẻ. Chạy bộ hàng ngày giúp giảm cơn thèm thuốc.
Cự ly Howie chạy ngày càng dài. Lần đua đầu tiên của Howie diễn ra năm 1979 tại thành phố Prince George, BC, với cự ly marathon. Howie chạy 820 kilomet từ thành phố Victoria tới Prince George, không tính đi phà, để dự thi và về thứ ba chung cuộc.
Màn trình diễn của Howie gây sốc một phần do ông không có chút gì giống một vận động viên chạy bộ.
"Ông ấy chìm trong bia, không giống runner bình thường chút nào", Beasley nói với CBC. "Nuôi tóc dài, để râu, một vẻ hippy thực sự bí ẩn".
Năm 1991, Howie chạy xuyên Canada trong 72 ngày, kỷ lục vẫn chưa có ai sánh được trong gần ba thập kỷ. Hai tuần sau hành trình để đời, Howie lập kỷ lục thế giới tại Sri Chinmoy marathon ở New York City, chạy 1.300 dặm, tương đương khoảng 2.100 kilomet, trong 16 ngày.
Al Howie lập kỷ lục khi thắng cuộc đua ở Sri Chinmoy marathon năm 1991. Ảnh: Jared Beasley. |
"Chạy bộ chính là thế giới của Howie", Beasley mô tả. "Không có cuộc đua nào đủ dài để khiến ông ấy thỏa mãn".
Howie sống kín tiếng trong những năm sau. Ông gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có tiểu đường, nhưng vẫn thường xuyên chạy từ Duncan tới Victoria để giải quyết việc cá nhân rồi chạy về.
Beasley mô tả khi hai người trò chuyện ở Duncan, Howie không hào hứng về mọi thứ, ngoại trừ chạy bộ.
"Có những người không đủ sức đối phó với những vấn đề thế giới mang đến cho họ, và chạy bộ chính là lối thoát duy nhất của Howie", Beasley nói.
Những cuộc chạy 'điên rồ'
Một ngày, khi đồng nghiệp tranh luận về việc một con ngựa chạy từ thành phố Toronto tới thành phố Niagara Falls, đều ở tỉnh Ontario, mất bao nhiêu thời gian, Howie nhấn mạnh ông có thể làm được trong một ngày. Các đồng nghiệp chế giễu nhưng ngay sau đó, ông đã chinh phục thành công thử thách 125 kilomet này.
Sau khi chuyển sang phụ trách máy nghiền tại một mỏ đồng ở Vancouver Island, BC, cách nhà 20 kilomet, Howie chọn đi bộ để đi làm.
Hành động của Howie nhanh chóng được báo chí BC chú ý. Trong khi mọi người lái xe, đi máy bay, xe buýt để đến các thành phố ở xa, Howie lại chạy, đơn giản bởi phương thức này rẻ. Ông thường ngủ dưới những vì sao.
Al Howie có tố chất thể thao, vì bố là võ sỹ quyền Anh, mẹ là VĐV bơi. Thuở bé, ông được rèn luyện từ việc cùng gia đình di chuyển qua những quảng dường dài bằng cách đi bộ. Ảnh: Handout. |
Năm 1978, Howie chạy 500 kilomet từ Victoria đến Port Hardy, cực bắc của Vancouver Island, để gây quỹ từ thiện.
Năm 1979, Howie chạy từ Victoria tới Prince George để tham gia giải marathon.
Năm 1980, Howie về thứ ba tại Edmonton marathon trước khi chạy về Vancouver Island và hoàn tất giải chạy Royal Victoria Marathon ở vị trí thứ 14.
Năm 1983, Howie chạy từ Winnipeg tới quốc hội Canada ở thủ đô Ottawa. Ông bị ruồi đen cắn khi vừa ra khỏi thị trấn Wawa, tỉnh Ontario, khiến mặt sưng vù. Một hãng bia tài trợ 100 USD mỗi ngày và cho uống thử miễn phí nếu runner mặc áo và đội mũ có logo hãng. Một người trong công ty ước tính Howie uống 18 chai bia của họ mỗi ngày.
"Không nhiều đến vậy đâu", Howie khẳng định.
Cùng năm, Howie về nhất một giải chạy 100 kilomet ở Toronto trong 7 giờ 30 phút 31 giây, nhanh hơn gần 90 phút so với kỷ lục trước đó. Chiến lược của ông trong những cuộc đua dài hơi như vậy rất đơn giản. Đó là chạy với tốc độ có thể làm rộp chân ngay từ những kilomet đầu để làm nhụt chí những người khác.
Năm 1987, Howie chạy 1.422 vòng quanh sân vận động Centennial, Đại học Victoria, hết 104 giờ 29 phút 48 giây để phá kỷ lục chạy liên tục dài nhất vốn thuộc về một runner người Thụy Điển. Khi được thông báo đã thành công, ông vẫn chạy thêm 18 vòng nữa để đề phòng nhầm lẫn.
Howie trên đường chạy lập kỷ lục với 360 dặm liên tục năm 1987. Ảnh: Runners' World. |
Năm 1988, Howie chạy từ John o’Groats, Scotland, tới Land’s End ở Cornwall, Anh, hết 11 ngày 3 giờ 18 phút, nhanh hơn 22 giờ so với kỷ lục trước đó. Tuy nhiên, thành tích này về sau bị vượt qua.
Năm 1989, Howie trở thành runner đầu tiên hoàn thành New York Sri Chinmoy Ultramarathon cự ly 1.300 dặm (2.100 kilomet) với thời gian 17 ngày 8 giờ 25 phút 34 giây, vẫn trong mức giới hạn 18 ngày. Sau hơn 14 ngày chỉ ngủ chưa đến 4 giờ mỗi đêm, Howie tự thưởng cho bản thân giấc ngủ dài 6 giờ và thức dậy đúng lúc để chào mừng người về nhì.
Ngày 21/6/1991, Howie bắt đầu hành trình chạy xuyên Canada ước tính dài 7.295,5 kilomet. Ông bắt đầu từ Mile 0 ở thành phố St. John’s, tỉnh Newfoundland & Labrador. Thị trưởng St. John’s chạy cùng Howie trong kilomet đầu tiên.
Cái nắng mùa hè khiến ông bị bỏng môi chỉ trong vài ngày. Môi ông đen đi và bắt đầu bong da. Sau đó, Howie mặc quần dài, áo dài tay khi chạy, che miếng bìa tự chế lên mũi. Ông nhìn không khác một đứa trẻ hóa trang thành chim cánh cụt.
Howie biết ông cần làm gì đó đặc biệt để thu hút sự chú ý. Ông đặt mục tiêu chạy 100 kilomet mỗi ngày trong 72 ngày liên tiếp. Howie hoàn tất hành trình ở Cao tốc xuyên Canada ở Victoria, trong sự chào đón của khoảng 100 người ở vạch đích. Hành trình, tên gọi Tomorrow Run ‘91 quyên góp được 527.400 USD cho một quỹ vì trẻ em. Howie ăn mừng bằng cách uống hai chai bia và một ly champagne.
Chỉ hai tuần sau đó, Howie quay lại New York để bảo vệ danh hiệu và tự vượt qua thành tích của bản thân tại Sri Chinmoy Ultramarathon với thời gian 16 ngày 19 giờ.
Năm 1993, Howie thắng giải chạy sáu ngày Gibson Ranch Multi-Day Classic ở bang California, Mỹ, với đường chạy là vòng lặp quanh một công viên thành phố Sacramento. Cự ly ông chạy liên tiếp trong 6 ngày là 180 kilomet, 120 kilomet, 111 kilomet, 115 kilomet và 109 kilomet.
Vật lộn với bệnh tật cuối đời
Howie dừng tham gia các giải từ năm 1999. Ông được chẩn đoán bị ung thư não và mắc tiểu đường. Số tiền kiếm được từ những năm chạy bộ chẳng thấm vào đâu.
"Ông ấy không thích ứng với xã hội", vợ cũ Claudia Cole nói. "Đó là một người đàn ông đáng yêu nhưng lại hành xử không bình thường lắm".
Những năm sau đó, Howie sống tại một cơ sở hỗ trợ chăm sóc ở Vancouver Island. Ông qua đời ngày 21/6/2016 tại Duncan. Một nhà báo và một giáo sư về hưu ở Victoria đã vận động để những thành tích của Howie được công nhận.
Al Howie tiều tuỵ vì bệnh tật trong những năm cuối đời. Ảnh: Submitted. |
Howie trở thành một trong ba runner được vinh danh tại Mile Zero, Victoria. Nơi đây có tượng Terry Fox, tấm đồng khắc câu chuyện về Steve Fonyo và Al Howie.
Runner’s World mô tả hiểu Howie "giống như giải một câu đố khó nhằn. Câu chuyện của Howie tràn ngập những cái tên, căn cước giả, cáo buộc bắt cóc, đói nghèo, nghiện ngập. Howie giống như làn sương mờ trôi, luôn biến mất trước khi bạn có thể nắm lấy. Ông là người nhập cư trái phép cho tới năm 1988, chưa bao giờ trở thành công dân Canada, chạy trốn Interpol hơn 10 năm và thậm chí, tên ông không phải Al".
Sri Chinmoy marathon do Chinmoy Kumar Ghose, thầy tâm linh người Ấn Độ, sáng lập từ năm 1985 để các runner khám phá giới hạn bản thân và vượt qua. Giải chạy diễn ra trong nhiều ngày, thường vào tháng Sáu tới tháng Tám. Đường chạy thường là vòng lặp quanh một khu dân cư ở New York City. Giải chạy chỉ có cự ly 1.000 dặm (hơn 1.600 kilomet) trong hai năm đầu tiên, sau đó có thêm hai cự ly 700 dặm (hơn 1.100 kilomet) và 1.300 dặm (hơn 2.100 kilomet). Năm 1996, giải có thêm cự ly 2.700 dặm (4.345 kilomet). Tại lễ trao giải năm 1996, Sir Chinmoy thông báo giải tiếp theo có thêm cự ly 3.100 dặm (4.989 kilomet) và đây là cự ly duy nhất còn được tổ chức. Với cự ly này, người tham gia cần hoàn thành 5.649 vòng chạy quanh khu phố có tổng chiều dài 883 mét, từ 6h sáng đến nửa đêm, trong 52 ngày Terry Fox (1958 – 1981) là vận động viên, nhà hoạt động nhân đạo và nhà vận động nghiên cứu ung thư người Canada. Ông phải cắt bỏ một chân vì một dạng ung thư xương. Ông vẫn đeo chân giả và thực hiện một cuộc chạy xuyên Canada để quyên tiền và kêu gọi sự chú ý đến nghiên cứu chữa trị ung thư. Căn bệnh ung thư di căn khiến Fox phải chấm dứt cuộc hành trình sau 143 ngày, 5.373 kilomet. Fox qua đời sau đó nhưng nỗ lực của ông để lại một di sản lâu dài ở tầm quốc tế: giải Terry Fox Run. Terry Fox Run tổ chức lần đầu năm 1981 tại Canada và hiện diễn ra thường niên tại hơn 60 nước, trở thành một trong những hoạt động một ngày quyên góp nghiên cứu chữa trị ung thư lớn nhất thế giới. Stephen Charles "Steve" Fonyo Jr., sinh năm 1965, là runner người Canada phải bỏ một chân khi 12 tuổi vì ung thư. Nối gót Fox, ở tuổi 18, năm 1984, ông quyết định chạy xuyên Canada trong hành trình tên Journey for Lives để quyên góp cho hoạt động nghiên cứu ung thư và hoàn thành trong 425 ngày, huy động được 14 triệu đôla Canada. |
Như Tâm tổng hợp