Những câu chuyện về giáo dục và đào tạo ở bậc đại học tại Việt Nam vốn khá nhiều. Điểm chung nhất trong các cuộc thảo luận này là thường những người đã từng học ở các nước phát triển sẽ phê bình một khía cạnh nào đấy, và một số người sẽ đồng ý hay chê bai. Các ý kiến chê bai thường là chê sao sính ngoại quá, không phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, "trường" là để dạy kiến thức. Còn ở các nước phát triển, "đại học" là để tìm ra và dạy kiến thức. Các giảng viên dạy kiến thức cho sinh viên, đồng thời họ cũng tạo ra kiến thức thông qua nghiên cứu.
Còn nghiên cứu sinh, tức là những người "làm tiến sĩ", thì vừa phụ giúp việc nghiên cứu, vừa phụ giúp công việc giảng dạy. Ở các trường đại học ở Australia và Mỹ, các sinh viên bậc cử nhân sẽ được giảng dạy bởi giáo sư và giờ "kèm thêm" (tutoring) thì do các nghiên cứu sinh đảm trách.
Nguyên nhân không tuyển được các sinh viên cho bậc tiến sĩ ở Việt Nam là bởi vì các đại học không đào tạo bậc tiến sĩ. Nói đúng ra, các đại học có lớp học để trao bằng tiến sĩ nhưng có rất ít những công trình nghiên cứu cần phải có các nghiên cứu sinh làm việc.
Không có nhu cầu thực tế, tức là không có dự án nghiên cứu nào cần nghiên cứu sinh, thì làm sao có nguồn cung, tức là có người đi "ứng thí" vào các vị trí nghiên cứu sinh đấy?
Nói cách khác, việc không tuyển đủ chỉ tiêu bậc tiến sĩ chỉ đơn giản là vì các chương trình đấy không phải là chương trình dành cho các nghiên cứu sinh. Có những người có nhu cầu làm nghiên cứu sinh, nhưng đâu có mấy người có nhu cầu mài đũng quần trên ghế nhà trường thêm mấy năm để tha vào người thêm một tờ giấy?
Việc không tuyển đủ chỉ tiêu bậc tiến sĩ chỉ là kết quả tất nhiên của việc khoác một chiếc áo mỹ miều lên những năm học thêm không cần thiết. Cái gọi là bậc học tiến sĩ trong những khóa học như vậy không đúng bản chất của nghiên cứu khoa học, không có giá trị tạo thêm tri thức, cho nên hoàn toàn không cần thiết.
Giá trị cốt lõi của bậc học tiến sĩ là tạo ra tri thức và học cách tạo ra tri thức, chứ không phải là để thu nạp các tri thức đã có sẵn.
Các tiến sĩ ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp họ làm gì? Ở Mỹ thì có các "tiến sĩ chuyên nghiệp", tức là các ngành nghề đòi hỏi học 7 năm sau phổ thông, bao gồm bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, và luật sư, những người này thì làm đúng chuyên môn của họ.
Các tiến sĩ học thuật khác thì một là sẽ ở lại trường, tiếp tục nghiên cứu. Hai là trở thành giáo sư và tiếp tục nghiên cứu. Ba là đi làm cho các tổ chức khoa học chuyên nghiên cứu, nổi bật là Viện Nghiên Cứu Sức Khỏe Quốc Gia (National Institute of Health), Viện Nghiên Cứu Đại Dương Salk (Salk Institute of Oceanography), hay NASA, ở Mỹ thì các tổ chức này khá nhiều. Bốn là lăn lộn vào các công ty tư nhân và cũng nghiên cứu và phát triển (R&D).
Điểm chung nhất của những nơi thuê người có bằng tiến sĩ là họ cần người nghiên cứu và tạo ra tri thức mới. Ngoài những công ty với kinh phí lớn thì chỉ có các đại học và nhà nước mới tài trợ nổi cho các công trình nghiên cứu này.
Bản chất của việc nghiên cứu và phát triển tri thức là khả năng chuyển hóa kết quả thành tiền bạc là một quá trình lâu dài và khó đoán. Nói cách khác, bậc học tiến sĩ ít có hiệu quả kinh tế cụ thể ở tầm nhìn vi mô. Bậc học tiến sĩ chỉ quan trọng trong vĩ mô, và hiệu quả kinh tế của việc đào tạo tiến sĩ không thể đo đếm được bởi những người phải dùng nguồn thu kinh tế tư nhân thông thường.
Ở thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng cần phải cấp kinh phí các đại học ở Việt Nam để lập ra các công trình nghiên cứu, và các nghiên cứu sinh phải được trả lương để làm việc nghiên cứu trong quá trình "làm tiến sĩ". Điều này tốn kém, nhưng không có giải pháp nào rẻ tiền lại có thể đưa ra sản phẩm chất lượng cao cả.
Thực tế rằng môi trường đại học ở Việt Nam không có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng việc học các ngành khoa học tự nhiên mà không phải là ngành vi tính.
Tôi đã gặp rất nhiều ý kiến của các bạn học ngành vi tính thi nhau ném đá các góp ý của những người học ngành khoa học công nghiệp nặng ở Việt Nam. Nó phản ánh sự kém hiểu biết về thực tế nghiên cứu khoa học của những người ngay ở trong ngành giáo dục.
Quan trọng nhất là nên chọn những ngành mà Việt Nam có đủ sức, bao gồm sức mạnh tài chính và sức mạnh tri thức, để nghiên cứu và có thể đem kết quả nhanh một chút, như là nghiên cứu về bán dẫn, nghiên cứu khoa học vi tính, nghiên cứu sinh học.
Chứ bây giờ bảo nghiên cứu không gian, nghiên cứu máy móc, nghiên cứu đại dương thì cũng hơi nản.